1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bùng phát viêm não trẻ em ở TPHCM

Từ đầu tháng 10 đến nay khoa nhiễm của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) đã tiếp nhận hơn 200 trẻ em bị viêm não, trong đó có rất nhiều trẻ bị biến chứng nặng. Các bác sĩ cảnh báo hiện nay đang vào mùa cao điểm của bệnh viêm não ở trẻ em.

Hơn 200 ca viêm não

Sáng 16/10, chúng tôi đến khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1. Tất cả các khoa phòng đều đông nghẹt bệnh nhi. Tại phòng cấp cứu của khoa có 13 bệnh nhi đang nằm điều trị và hầu hết bị bệnh tay chân miệng và viêm não. Trong đó có bốn trẻ bị biến chứng nặng nằm hôn mê.

Lúc này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm thần kinh - và một số bác sĩ, điều dưỡng khác đang tập trung cấp cứu, đặt máy giúp thở cho bệnh nhi Trần Thị Tú Oanh (6 tuổi, Châu Thành, Cần Thơ).

Chị Lê Thị Kim Dung - mẹ của bé Oanh - kể cách đây năm ngày bé Oanh đi học về than mệt và kêu nóng trong người. Sờ thấy con sốt, chị Dung vội đưa con đến trạm xá, sau đó gia đình đưa đến BV huyện.

Tại đây bé nằm một ngày gia đình xin chuyển viện. Đến BV Nhi Đồng Cần Thơ được hơn một ngày thì bé bắt đầu co giật. Gia đình lại xin chuyển viện và khi đến BV Nhi Đồng 1 bé Oanh đã rơi vào hôn mê. BS Hữu Khanh cho biết tình trạng của bé Oanh rất nặng.

Ở giường kế bên, bệnh nhi Lê Thị Mỹ Xuyên (14 tháng, Ô Môn, Cần Thơ) cũng đang mê man không biết gì. Bà Nguyễn Thị Vui - bà ngoại của bé Xuyên - cho biết cách đây mười ngày bé đột nhiên sốt, ói, tiêu chảy liên tục. Gia đình đưa đến BV Nhi Đồng Cần Thơ, bác sĩ bảo bé bị viêm não. Khi lên tới BV Nhi Đồng 1 bé đã co giật, hôn mê, phải thở máy.

Tại khoa cấp cứu, khoa nhiễm thần kinh còn có bé Phạm Trần Quốc Trung (19 tháng, Hóc Môn, TPHCM) đã nằm viện hơn một tháng nay trong tình trạng hôn mê, phải thở máy. Khi khởi bệnh, gia đình thấy bé đột nhiên sốt cao, đầu ngoẹo một bên, không gượng cổ thẳng được. Sau hai ngày đi bác sĩ tư thấy không bớt, gia đình đưa ngay đến BV Nhi Đồng 1. Nhập viện được một ngày thì bé bị hôn mê luôn tới nay vẫn chưa tỉnh.

Riêng bé Đinh Lê Cát Tường (5 tuổi, Phú Quốc, Kiên Giang) khởi bệnh bằng các triệu chứng trằn trọc không ngủ được. Vừa thiếp đi một chút là bé lại giật mình, hoảng hốt, đập tay đập chân, la hét như rất sợ điều gì. Bé nhập viện ngày 22/9 nhưng bệnh chưa có tiến triển khả quan, vẫn nằm mê man.

Mùa cao điểm viêm não ở trẻ nhỏ

Bác sĩ Khanh cho biết từ tháng mười đến tháng mười hai là thời điểm gia tăng trẻ nhỏ bị bệnh tay chân miệng và viêm não. Tháng 8/2006, có 205 bệnh nhi nhập viện điều trị, sang tháng chín là 304 ca. Thế nhưng chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng mười, số ca mắc đã vọt lên 201 bệnh nhi. Đa số trẻ bị bệnh ở độ tuổi dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Khanh, trẻ nhỏ bị viêm não tăng có liên quan đến bệnh tay chân miệng. Trong đó có một số ca xét nghiệm đã tìm ra nguyên nhân là do enterovirus 71. Ngày 16/10, tại khoa có 40 trẻ bị viêm não đang nằm điều trị, trong đó 14 ca viêm não liên quan đến bệnh tay chân miệng.

Bác sĩ Khanh cho rằng bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây lan nhanh qua đường tiêu hóa. Bệnh xảy ra theo hai mùa trong năm, từ tháng 2-4 và tháng 9-12. Khi bị bệnh tay chân miệng trẻ xuất hiện các bóng nước có kích thước 2-10mm, màu xám, hình ô van.

Các bóng nước này nổi ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét. Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm.  Theo bác sĩ Khanh, trẻ có biến chứng viêm não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật.

Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.

Theo Lê Thanh Hà
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm