Bùng nổ cao ốc ở TPHCM
Hàng loạt dự án xây dựng cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước thời hạn dự kiến. Riêng trong tháng 4/2005 đã có đến 4 dự án lớn xây dựng tòa nhà cao tầng tổ chức lễ động thổ ở TPHCM.
Dự án cao ốc khởi đua
Sáng ngày 24/4, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh chính thức làm lễ động thổ xây dựng công trình tòa cao ốc 68 tầng (cao nhất cả nước tính đến thời điểm khởi công) gồm 60 tầng lầu, 1 trệt và 7 tầng hầm, tổng vốn đầu tư 96 triệu USD.
Cũng trong ngày 24/4, Công ty Cổ phần Tân Hoàng Thắng khởi công xây dựng Khu liên hợp Tân Hồng Ngọc (The Rubyland) ở đường Lương Thế Vinh phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM, tổng vốn đầu tư của dự án là 288 tỷ đồng, gồm một chuỗi liên hoàn các công trình cao ốc cao cấp 18 tầng, tầng trên cùng sẽ xây dựng các biệt thự dạng Penhouse, trường tiểu học quốc tế, công viên, khu dịch vụ, câu lạc bộ thể dục thể thao, siêu thị... đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, ngày 20/4, khu căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, quận 3, TPHCM do Công ty Savimex là chủ đầu tư cũng được khởi công xây dựng với cao ốc gồm 15 tầng, ngoài những trang thiết bị cao cấp cao ốc còn có chỗ đỗ máy bay trực thăng cứu hộ ở tầng trên cùng.
Ngày 16/4, Saigon Pearl, khu tòa nhà lớn nhất TPHCM cũng đã được khởi công xây dựng. Trên khuôn viên đất 10,3 ha của dự án này sẽ mọc lên 8 chung cư cao cấp 37 tầng, 4 tòa nhà văn phòng từ 13 đến 25 tầng..., tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến lên tới 156 triệu USD.
Đầu năm, Tòa nhà căn hộ cao cấp Cantavil 16 tầng ở phường An Phú, quận 2, TPHCM do Công ty liên doanh phát triển nhà Daewon - Thủ Đức làm chủ đầu tư cũng đã được khởi công xây dựng.
Một yếu tố thị trường được giới kinh doanh địa ốc nước ngoài và trong nước đặc biệt quan tâm là ngay từ lúc bắt đầu khởi công xây dựng cho đến khi hoàn thành phần móng của tòa nhà cao tầng (khoảng 3 - 4 tháng) đã có 50 - 65% số lượng căn hộ cao cấp được khách hàng đăng ký và đặt mua.
Khuyến cáo cho người mua chung cư cao tầng
Công việc đầu tiên của người mua căn hộ cao cấp trong những tòa nhà cao tầng là xem kỹ các loại nhà mẫu của dự án để chọn loại phòng và hướng phòng... Tất cả chủ đầu tư dự án đều cam kết nhà mẫu được thiết kế giống y chang căn hộ trong chung cư cao tầng của dự án sẽ hoàn thành trong tương lai.
Sau khi xem kỹ nhà mẫu, người mua cần yêu cầu chủ đầu tư xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên Môi trường hay Sở Địa chính - Nhà đất cấp theo quyết định của UBND cấp tỉnh. Nếu không sau này việc chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất sẽ rất khó khăn.
Người mua cũng cần yêu cầu chủ đầu tư xuất trình văn bản ý kiến thỏa thuận quy hoạch kiến trúc công trình xây dựng chung cư cao ốc (với tên công trình cụ thể) do Sở quy hoạch kiến trúc cấp và quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc chấp thuận thiết kế và xây dựng công trình chung cư, cao ốc. Hai văn bản này sẽ chỉ cho người mua căn hộ những thông tin cụ thể về mật độ xây dựng, hệ thống giao thông nội bộ, tầng cao tòa nhà, khu vực công viên, cây xanh..., quy mô xây dựng công trình và giải pháp thiết kế chủ yếu.
Bước tiếp theo, trước khi nộp tiền đặt cọc, người mua cần đọc kỹ và hiểu rõ toàn bộ các điều khoản chi tiết trong Hợp đồng đặt cọc mua bán để tránh trường hợp khiếu kiện hay tranh chấp sau này. Tốt hơn cả là nên thuê một luật sư am hiểu về nhà đất xem xét trước khi nộp tiền đặt cọc và đặt bút ký vào hợp đồng.
Người mua cũng cần lưu ý là tiền đặt cọc và hợp đồng đặt cọc mua bán căn hộ chỉ có ý nghĩa như là một sự cam kết (hứa) bán của chủ đầu tư bởi vì căn hộ chưa được xây dựng hoàn tất, chỉ đến khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán căn hộ (sau khi xây dựng xong tòa nhà) thì tính pháp lý của việc mua bán mới được pháp luật công nhận.
Về việc thanh toán tiền mua căn hộ, tất cả các chủ đầu tư đều quy định, ngay khi ký hợp đồng đặt cọc, người mua đã phải nộp 15% đến 20% giá bán căn hộ, sau đó sẽ thanh toán từng đợt theo tiến độ thi công công trình (hoàn thành phần móng, xây xong tầng trệt... hoàn tất xây dựng tòa nhà, bàn giao căn hộ).
Cuối cùng, khi chủ đầu tư chuyển giấy chủ quyền căn hộ thì người mua nhà đóng nốt số tiền còn lại.
Về việc đóng bảo hiểm, chủ căn hộ và chủ đầu tư phối hợp cùng đóng bảo hiểm, chủ đầu tư đóng bảo hiểm cho phần công trình công cộng, chủ căn hộ đóng bảo hiểm cho chính căn hộ của mình đã mua.
Sau khi sở hữu căn hộ, chủ căn hộ phải trả tiền phí dịch vụ công cộng hàng tháng (vệ sinh, bảo vệ, duy trì cảnh quan...) và đóng một lần một số tiền vào quỹ bảo trì tòa nhà (sửa chữa lớn, thay thế thang máy...).
Theo Thời báo kinh tế VN