Quảng Trị:
Bức thư thiêng dự cảm về sự ra đi của một liệt sĩ
(Dân trí) - “Quảng Trị 11/9/1972. Toàn thể gia đình kính thương! Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất”… Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu. Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc…”
Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”.
Trên đây là những dòng cảm xúc, dự cảm mình sẽ hy sinh trong cuộc chiến đang ngày càng ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi về gia đình.
Bức thư viết bằng dự cảm…
Trước trận đánh lớn, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết vội bức thư gửi về cho người mẹ già yếu, cho người vợ mới cưới, cho anh chị và người cháu yêu thương với những gửi gắm, dặn dò tha thiết. Trong bức thư, anh dự cảm về cái chết, nơi mình sẽ ngã xuống. Không ai ngờ rằng, đó lại là chỉ dẫn để đồng đội, người thân tìm thấy anh sau ngày giải phóng.
Viết cho mẹ, anh có đoạn: “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thỏa mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”.
Trước khi “nghiên cứu bí mật trong lòng đất”, anh đã viết cho chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới được làm vợ anh 6 ngày và sau đó là hơn 30 năm đằng đẵng thờ chồng: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã ngược qua cầu hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn…”.
Sau khi chiến sĩ Lê Văn Huỳnh hy sinh, bức thư anh cất giữ bên mình đã được đồng đội đưa về Thái Bình, gửi lại cho chị Xơ. Qua lời chỉ dẫn trong thư, năm 2002, chị Xơ và các đồng đội đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Mỗi điều trong bức thư đều đúng đến kỳ lạ, chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải thôn Nhan Biều 1 (hai thôn này nằm cạnh nhau).
Bức thư tuy được viết trong những ngày cuối khốc liệt nhất của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ nhưng 10 trang thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh không hề có hình ảnh bom đạn, sự sợ hãi hay bi lụy. Trào dâng mãnh liệt trong tâm thư là niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất cùng nỗi nhớ nhà và thương yêu chưa kịp đền đáp ân tình người thân.
Giữ gìn cho mai sau
Bức thư sau khi được phục dựng thành công, đang được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị
Điều này khiến nhiều cựu chiến binh trăn trở. Những cán bộ bảo tồn luôn đau đáu tìm biện pháp khắc phục. Trung tâm bảo tồn di tích, danh thắng Quảng Trị đã tìm tòi nhiều phương pháp và nhận nhiều sự hỗ trợ để mong phục hồi bức thư. Năm 2012, bức thư đã được phục hồi thành công bằng phương pháp bán thủ công và được thực hiện ngay tại Quảng Trị.
Theo ông Nguyễn Quang Chức, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị, để có thể phục hồi bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sau hai năm miệt mài tìm tòi các phương pháp, Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị đã dùng phương pháp bán thủ công là scan toàn bộ bức thư vào máy tính rồi sau đó bóc tách riêng toàn bộ chữ trên bức thư bỏ sang một bên. Kế tiếp, tìm một loại giấy thuộc năm 1972 có màu sắc tương tự như loại giấy mà liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã dùng, scan vào máy tính rồi đem toàn bộ nét chữ lấy từ bức thiêng “dán” vào tờ giấy đó.
Sau một thời gian nỗ lực bóc-tách-ghép, bức thư của liệt sĩ Huỳnh đã được phục hồi gần như nguyên bản.
Trong đợt kỷ niệm 40 năm chiến dịch Thành cổ vừa qua, ông Ngô Thanh Bảo, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích, danh thắng và đoàn công tác ra Thái Bình đã trao tặng bức thư được phục hồi cho vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Cầm trên tay bức thư phục hồi rõ ràng từng nét chữ của anh, chị Xơ và người thân rưng rưng xúc động!
Nguyễn Tuấn