1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bữa sinh nhật đình đám “một lần duy nhất trong đời”

(Dân trí) - Với người Rơ Ngao, tổ chức sinh nhật không phải để kỷ niệm ngày mình chào đời, mà là sự thể hiện tình thương của cha mẹ đối với con cái. Mỗi một người chỉ được tổ chức sinh nhật một lần duy nhất trong đời.

Bữa sinh nhật đình đám “một lần duy nhất trong đời” - 1

Sinh nhật rình rang như... đám cưới
 
Vào những ngày này, bà con dân tộc Rơ Ngao, sống tại làng Tu Peng, xã Pô Cô, huyện Đắk Tô, Kon Tum, đang tràn ngập trong niềm vui. Khắp nơi trong làng đều rộn vang tiếng cười vui, tiếng nhạc xập xình… mừng sinh nhật cho những đứa trẻ.

 

Già làng A Hanh cho biết, sinh nhật của những người Rơ Ngao không cần tổ chức đúng ngày sinh của người đó mà có thể diễn ra vào bất kì ngày nào trong năm, chỉ cần trước khi lập gia đình. Và mỗi một người chỉ được cha mẹ tổ chức sinh nhật một lần trong đời.

 

Chính vì vậy, họ rất xem trọng buổi lễ sinh nhật “cả đời chỉ có một lần” này. Tổ chức đình đám không thua kém chuyện cưới xin. Chỉ khác là trong buổi lễ không có bất kỳ nghi thức nào, dân làng chỉ việc đến ăn no, uống say và nhảy múa chán chê.
 
Bữa sinh nhật đình đám “một lần duy nhất trong đời” - 2
Số rượu phục vụ cho một buổi lễ sinh nhật

 

Người Rơ Ngao quan niệm sinh nhật là để thể hiện tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ tổ chức càng to thì càng thể hiện được tình cảm của mình với đứa con đó. Cha mẹ không thương con thì không tổ chức (!).

 

Để lễ sinh nhật được diễn ra tốt đẹp, những ông bố bà mẹ phải chuẩn bị tiền bạc và những ghè rượu cần tương đương với một đám cưới. Có nhiều gia đình kinh tế khó khăn nhưng muốn cả làng biết rằng họ yêu thương con như thế nào, nên họ phải chắt chiu vài ba năm mới đủ kinh phí làm sinh nhật cho con. Vì quan niệm lạc hậu này mà những gia đình sinh đông con, không có điều kiện tổ chức sinh nhật cho con sẽ bị dân làng cười chê là “bố mẹ sinh ra con mà không thương nó”.

 

Trong buổi lễ sinh nhật, kinh tế là thứ quan trọng nhất để làm thước đo đánh giá tình cảm. Vì vậy, sinh nhật thường được diễn ra sau vụ mùa thu hoạch nông sản. Bởi lúc này họ sẽ có mì để nấu rượu cần và có tiền từ việc bán nông sản.

 

Trong quá trình tìm hiểu nét văn hóa trên của người Rơ Ngao, chúng tôi may mắn được tham dự lễ sinh nhật của bé A Tan, con trai chị Y Đên và anh A Dút. Anh chị đã phải mất gần một năm chắt chiu, kiếm tiền mới có điều kiện mời cả làng và tất cả anh em họ hàng trong xã đến dự lễ sinh nhật cho cậu con trai 1 năm 2 tháng tuổi này.
 
Bữa sinh nhật đình đám “một lần duy nhất trong đời” - 3
Để làm sinh nhật cho cậu bé A Tan này, vợ chồng anh A Dút đã phải chắt chiu suốt gần 1 năm.

 

Trước đó, chị Đên đã phải mất cả tháng để nấu hơn 40 ghè rượu mì. Sau đó chị đi chợ mua đồ ăn đủ cho cả làng đến nhậu trong 2 ngày. Ngoài ra vợ chồng chị phải mua 5 chiếc nồi lớn, hơn 40 cái ghè và mượn gần chục anh chị em đến nấu các món ăn.

 

Một “món” khác không thể thiếu là âm nhạc. Ngày nay tiếng chiêng truyền thống đã bớt dần, thay vào đó là những ban nhạc sống có piano, ca sĩ, loa thùng… về hát phục vụ dân làng. “Mình thương con nhiều thì mình tổ chức to cho vui thôi. Từ sáng đến chiều mình mời anh em họ hàng. Còn tối và ngày mai là người trong làng đến chung vui”, chị Đên tự hào nói.

 

Những người đến mừng sinh nhật cũng tùy vào điều kiện và hoàn cảnh mà góp vui. Người thì góp rượu, thức ăn; người thì cho tiền cha mẹ; có người nghèo cũng chỉ đến không chung vui. “Mình thấy vợ chồng nó thương con nhiều, mình đến góp vui cho bố mẹ nó vài chục nghìn mua quần áo cho thằng nhỏ. Ở đây ai mà không tổ chức sinh nhật cho con thì bị cả làng chê là không thương con đâu”, một người đến dự sinh nhật cu Tan cho biết.

 

Thiên Thư