BQL Đường sắt đô thị TPHCM xin tạm ứng 39 tỷ đồng để duy trì hoạt động

(Dân trí) - Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM trình bày đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, làm cho tinh thần của đa số cán bộ, viên chức, người lao động bất an và tiếp tục rơi vào giai đoạn khó khăn vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tình hình kinh phí hoạt động năm 2019 của đơn vị tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chưa được tạm ứng kịp thời mặc dù đã có văn bản kiến nghị từ tháng 11/2018 và lãnh đạo thành phố đã họp nhiều lần để giải quyết vướng mắc.

BQL Đường sắt đô thị TPHCM xin tạm ứng 39 tỷ đồng để duy trì hoạt động - 1

Tuyến metro số 1 của TPHCM đang gặp khó khăn về vốn thi công lẫn kinh phí duy trì hoạt động cho chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị TP

Tính từ 31/1 đến nay, cán bộ, viên chức và người lao động tại ban mới chỉ nhận được 2 tháng lương theo mức lương cơ sở để vừa chăm lo cho Tết Nguyên đán vừa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu trong thời gian chờ UBND TP cho tạm ứng kinh phí hoạt động năm 2019.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP cho rằng tình hình khó khăn này một lần nữa đã làm cho tinh thần của đa số cán bộ, viên chức và người lao động bất an, tiếp tục rơi vào giai đoạn khó khăn vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực ổn định tình hình khó khăn chung của một đơn vị đặc thù.

Mặt khác, tập thể Ban Quản lý đường sắt đô thị TP đang dồn sức ổn định công tác tổ chức bộ máy, lấy lại niềm tin từ các nhà tài trợ, các nhà thầu để cùng tăng tốc hoàn thành dự án metro số 1 vào cuối năm 2020. Do đó, việc ổn định thu nhập cho nhân sự tại ban là đều rất quan trọng.

Ban Quan lý Đường sắt đô thị TP xin tạm ứng 39 tỷ đồng để chi tiền lượng, thu nhập, tiền thưởng, phúc lợi, chi đào tạo và các khoản phí khác để duy trì hoạt động trong năm 2019.

Vấn đề tài chính cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình biến động nhân sự tại Ban Quản lý đường sắt đô thị trong năm 2018. Thời điểm đó, có 50/220 người xin nghỉ việc, với nhiều lý do khác nhau, nhân sự xin nghỉ do ban “hết tiền”.

Lãnh đạo ban cho rằng, do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 kéo dài nên ảnh hưởng đến công việc tại đơn vị và tinh thần cán bộ, nhân viên. Tình hình vốn liếng không có, thi công dự án chậm trễ nên người lao động mất nhiệt huyết.

Kinh phí quản lý dự án ban đầu chỉ tính trong 5 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án có thể kéo dài đến 10 năm nên “hết tiền”. Phí quản lý hết nên Ban Quản lý đường sắt đô thị phải tạm ứng ngân sách từ TP. Việc tạm ứng ngân sách thành phố khó khăn, dẫn đến chậm lương, tâm lý bất an trong viên chức, người lao động.

BQL Đường sắt đô thị TPHCM xin tạm ứng 39 tỷ đồng để duy trì hoạt động - 2

Sau khi ông Bùi Xuân Cường đảm nhận chức Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị từ đầu tháng 1/2019, tình hình nhân sự bắt đầu ổn định trở lại, hiện nhân sự tại ban khoảng 200 người

Theo Thông tư của Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập phải tự chủ về mặt tài chính. Trong khi đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP là đơn vị sự nghiệp công lập tạm thời chưa được giao tự chủ tài chính và sử dụng nguồn kinh phí là nguồn tạm ứng từ ngân sách thành phố.

Để giải quyết khó khăn này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP xin UBND TP cho phép đơn vị nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ chế tài chính đặc thù trong quý 2/2019 để báo chính quyền thành phố hoặc trình HĐND TP quyết định.

Quốc Anh