Bớt sự can thiệp của nhà nước là bớt “bệnh” quản lý?

(Dân trí) - Đại biểu Trần Du Lịch nhận xét, lâu nay có “bệnh” trong quản lý kinh tế là Nhà nước làm thay thị trường, còn trong dân sự là Nhà nước làm thay việc của công dân. Ông ủng hộ quan điểm bớt đi sự can thiệp của nhà nước khi thảo luận về Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi ngày 25/8.

 

tran-du-lich-81b29
Đại biểu Trần Du Lịch tại Hội nghị đại biểu chuyên trách đang diễn ra tại Hà Nội.

Câu chuyện tòa án có được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của người dân hay không là một vấn đề được các đại biểu Quốc hội chuyên trách lật lại.

Nguyên tắc đảm bảo quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được các đại biểu nhấn mạnh. Các ý kiến hầu hết nhất trí với quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đề nghị là xây dựng một chương riêng về những quy định đặc thù của tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo hướng lập luận này, trong quá trình xét xử, nhiều thủ tục, trình tự theo quy trình của tố tụng dân sự trong quan hệ lao động khó giải quyết, dẫn đến các vụ án đưa ra xét xử bị kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho cả nguyên đơn, bị đơn, các cơ quan tham gia, kể cả các cấp tòa án.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh vấn đề này với lập luận, tố tụng lao động có đặc thù, đặc trưng rất riêng biệt của quan hệ lao động.

Ngoài ra, vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều là về vị trí, vai trò của VKS  trong tố tụng dân sự; sự tham gia của đại diện VKS đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự.

Giải thích về hướng quy định không có công tố viên trong một phiên toà dân sự, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào chỉ rõ chức năng khác nhau của kiểm sát viên trong vụ việc hình sự và dân sự. Theo đó, trong vụ án hình sự đại diện VKS giữ vai trò công tố (buộc tội) còn với vụ việc dân sự, kiểm sát viên chỉ thực hành kiểm sát hoạt động xét xử từ khi thụ lý đến khi giải quyết xong.

Trên cơ sở đặt vấn đề như vậy, đại biểu Hồ Trọng Ngũ Phó (Chủ nhiệm UB Quốc phòng- An ninh) lật lại: “Sự tham gia của VKS như vậy có còn cần thiết không khi quan hệ dân sự bản chất là cốt ở hai bên và trong dân sự không có hoạt động công tố?”.

Đại biểu Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM) cũng ủng hộ phương án thể hiện trong dự thảo là đại diện VKS không phát biểu, thể hiện quan điểm về nội dung vụ án tại một phiên toà dân sự.

“Lâu nay có bệnh trong quản lý kinh tế là nhà nước làm thay thị trường, còn trong dân sự thì nhà nước làm thay việc của công dân. Nay bớt đi sự can thiệp và đảm bảo tuân theo pháp luật và vai trò của VKS như quy định là đủ” – đại biểu Trần Du Lịch bình luận.

Ngược lại, bảo vệ chức năng, vai trò của ngành, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể quả quyết, 40 năm trong ngành ông chưa thấy ai phản ánh VKS can thiệp vào việc dân sự. Về luật, toà cũng không được can thiệp vì nguyên tắ việc dân sự cốt ở đôi bên. Các giao dịch, quan hệ dân sự chỉ đưa ra cơ quan nhà nước, kêu gọi sự can thiệp của Nhà nước khi có tranh chấp, còn nhà nước giao cho cơ quan nào giải quyết thì tuỳ hệ thống tổ chức bộ máy của mỗi nước.

Việc đại diện VKS tham gia và phát biểu quan điểm giải quyết vụ án dân sự tại phiên toà, theo Phó Viện trưởng, cũng không ảnh hưởng mà chỉ giúp việc xử án tốt hơn. Toà án đóng vai trò trọng tài đứng ra phán quyết, còn VKS đảm bảo việc giải quyết đúng pháp luật.

“Toà quyết trái pháp luật, ngoài quyền kháng nghị sau này thì tại phiên toà VKS có được phát biểu không? Việc để VKS phát biểu sẽ giúp đỡ sai sót và bớt vụ việc bức xúc” – ông Thể lập luận nếu kiểm sát viên được phát biểu, đi đến thống nhất hướng giải quyết vụ việc tại toà thì không phải kháng nghị án, đỡ tốn kém khi phải mở thêm phiên toà khác, đỡ gây bức xúc với các bên đương sự.

P.Thảo