1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bớt hình phạt tử hình: Vẫn tiếp tục… “mắc”!

(Dân trí) - Đề xuất bỏ án tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ, đầu hàng địch, sản xuất-buôn bán hàng giả… tiếp tục không nhận được nhiều đồng tình tại Thường vụ Quốc hội. Duy chỉ việc bỏ hình phạt này với hành vi vận chuyển ma túy nhận được nhiều ủng hộ hơn.

Sáng nay 23/12, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự.

Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, không nên bỏ án tử hình đối với tội tham ô tài sản. Theo ông Vượng, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, việc xử lí còn hạn chế, cần phải tiếp tục duy trì án cao nhất. “Dư luận xã hội có thể nghĩ rằng, chúng ta lập ban bệ chống tham nhũng thế thôi, làm chưa được bao nhiêu, bây giờ lại bỏ án tử hình”, ông Vượng phân tích.

Theo ông, với những hành vi tham ô nghiêm trọng, gây hậu quả lớn vẫn phái áp dụng hình thức tử hình. Bởi lẽ, ăn trộm 500.000 đồng phải tù mấy năm mà trường hợp tham ô nhà nước hàng ngàn tỉ đồng lại không phải tử hình sẽ không ổn. Tương tự như vậy, ông Vượng đề nghị giữ án tử hình với tội nhận hối lộ.

Về đề xuất bỏ án tử hình đối với các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, phá hoại công trình an ninh quốc gia, đầu hàng địch, hủy hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kĩ thuật quân sự… cũng có rất nhiều ý kiến không đồng tình.

Theo ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, một số tội liên quan đến quốc phòng, an ninh trong trường hợp gây nguy hại và hậu quả lớn phải xử lí bằng hình thức cao nhất. Cũng theo ông Bình, mức án cao nhất qui định cho các tội này để bao quát hết, cho dù có thể không bao giờ phải dùng đến.

Riêng việc bỏ hình phạt tử hình đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (chỉ áp dụng hình phạt tử hình với tội mua bán trái phép chất ma túy) được ông Trần Thế Vượng đồng tình. Theo ông, nhiều người nghèo bị bọn buôn bán ma túy thuê vận chuyển, không biết trong đó có gì, nếu bị bắt, bị xử tử hình như qui định hiện tại là chưa hợp lí.

Tuy nhiên, ông Vượng lưu ý việc tách ra như vậy sẽ rất khó cho cơ quan tố tụng, nhất là cơ quan điều tra trong việc làm rõ đâu là mua bán, đâu là vận chuyển. “Nhưng cái khó không thể đổ cho người dân, nếu anh không chứng minh được người ta buôn bán thì phải chấp nhận người ta vận chuyển”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông Vượng khẳng định, chấp nhận thay đổi như vậy với nhóm tội danh ma túy đã là rất lớn, giảm được đáng kể số án tử hình bởi với các tội khác, dù có bỏ án tử hình cũng không giảm bao nhiêu số lượng án do hiếm khi phải xét xử.

Liên quan đến việc bổ sung qui định về miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù với người chưa thành niên phạm tội, được ban soạn thảo coi như một hình thức “chấp hành hình phạt tù tại gia” cũng nhận những ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, Đào Trọng Thi cho rằng, sửa đổi như vậy thể hiện sự tiến bộ trong việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, theo ông Thi, phải đặt ra các điều kiện về quản lí, trách nhiệm quản lí của gia đình cũng như quản lí của các cơ quan chức năng, đoàn thể…

Ông Trần Thế Vượng lại cho rằng, nói “chấp hành hình phạt tù tại gia”, ông chưa hiểu cơ chế như thế nào và tại sao lại đưa ra khái niệm như vậy. Theo ông Vượng, nếu có thể, nên nới lỏng điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù với tuổi vị thành niên thay vì làm như trên.

Cấn Cường