“Bóng ma” HIV ở một xóm “nhà lành”
Đối với tôi và nhiều người, ấp Phú Đăng (xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) đang là ẩn số và có lẽ mãi mãi sẽ là ẩn số. Một ấp nông thôn nghèo, vùng sâu, người dân lam lũ, chân chất, ít có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, lại là ấp có số người nhiễm HIV cao nhất nước.
Ở nông thôn, mỗi một sự kiện nhỏ đều tác động đến cuộc sống cộng đồng. Chuyện “nhà nhà nhiễm HIV” càng tác động khủng khiếp!
Ngày định mệnh
Đó là một ngày trước Tết Nhâm Thìn, khi ông N.V.C (58 tuổi, ấp Phú Đăng) đi khám bệnh từ TP.HCM về đã hớt hãi báo tin với bạn bè là mình bị nhiễm HIV. Không như các trường hợp khác đều giấu kín khi biết mình bị nhiễm HIV, ông N.V.C công khai thông tin trên với cả xóm. Nhiều người trong xóm đều xác nhận, ông N.V.C là người có cuộc sống chuẩn mực, có uy tín trong xóm.
Một người bạn già của ông N.V.C tên là Huỳnh Văn Hồng (ông Hồng đồng ý cho nêu đầy đủ tên) đã 62 tuổi, thấy trong bụng không yên tâm, đã tự nguyện đi xét nghiệm HIV, cũng ra kết quả dương tính. Trở về nhà, ông Hồng vận động con cháu và những người bạn thân (thường cùng ông đi chích “thuốc khỏe” ở 1 phòng khám không phép trong ấp) đi xét nghiệm HIV. Kết quả thật hãi hùng, hầu hết những người đi xét nghiệm đều bị dương tính với HIV. Đến cuối tháng 5.2012 toàn ấp Phú Đăng có 12 người nhiễm HIV, tất cả đều là đàn ông, là ấp nông thôn có số người nhiễm HIV cao nhất nước.
Đến lúc ấy không còn ai ở Phú Đăng dám đi xét nghiệm HIV nữa. Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người vợ của những người nhiễm HIV ở Phú Đăng đã tiếp tục đi xét nghiệm. Điều kỳ lạ là tất cả các bà vợ đều “âm tính” với HIV. Mới đây, chuyện nhiễm HIV ở Phú Đăng lại như sôi lên khi ông Phan Văn O (60 tuổi) thấy trong người khó chịu, đã tự nguyện đi TPHCM xét nghiệm máu, kết quả ông cũng nhiễm HIV!
Lời thỉnh cầu của người nhiễm HIV
Ấp văn hóa Phú Đăng thường xuyên vắng hoe.
Trở lại thăm “xóm HIV” sau khi phát hiện “người thứ 13”, tôi cảm nhận không khí trong xóm nặng nề không kém thời điểm “bùng phát HIV” vào tháng 5.2012. Con đường đan độc đạo chạy dọc chiều dài ấp Phú Đăng vắng vẻ lạ thường. Người ta cho tôi biết những đứa trẻ thì đang ở trường, còn người lớn số đi làm ăn xa, số không buồn ra đường, nên trong xóm vắng vẻ. Ghé một quán bán nước và tạp hóa ven đường, người chủ quán than buôn bán ế ẩm. “Bây giờ mỗi khi có đám tiệc gì trong xóm, bà con cũng không thiết tha gì chuyện ăn uống, nhậu nhẹt như trước, nên trong xóm buồn lắm”, người chủ quán tâm sự.
Một câu hỏi lớn như bao trùm lấy cái xóm nhỏ Phú Đăng: Con đường nào đã làm cho hàng loạt cư dân trong xóm, nhiều người đã trên dưới tuổi 60, nhiễm HIV? Không ai có thể hình dung những cụ già “hiền như đất” ở nơi “khỉ ho cò gáy” này lại “ăn chơi trác táng”, quan hệ bừa bãi với gái mại dâm(!). Còn không phải vậy, thì nguyên nhân do đâu?
Tôi ghé thăm ông Huỳnh Văn Hồng, một hoàn cảnh đau khổ nhất trong “cơn bão HIV” ở Phú Đăng. Ngoài bản thân ông Hồng nhiễm HIV, còn có 2 đứa con, cùng người em “chú bác”, rồi 2 người cháu ruột đều nhiễm HIV! Ông Hồng cho biết, từ ngày bị nhiễm HIV, cuộc sống của gia đình ông xáo trộn dữ dội. Ông không màng đến chuyện làm ăn (trước đây ông làm thợ hồ), hạn chế chuyện tiếp xúc với người ngoài, kể cả trong họ hàng, sui gia... Con cháu của ông cũng có chung hoàn cảnh như ông.
Điều mong muốn lớn nhất của ông Hồng hiện nay là cơ quan có trách nhiệm cần làm sáng tỏ nguyên nhân lây nhiễm HIV ở Phú Đăng. “Còn gì đau khổ bằng khi những người già như tui bị mang tiếng “chơi bời”, quan hệ với gái mãi dâm. Chỉ cần làm sáng tỏ nguồn gốc lây nhiễm HIV, giải oan cho tụi tui, là tụi tui có thể yên lòng nhắm mắt!”, - ông Hồng buồn rầu nói. Ông cũng cho biết, hiện đã có bệnh nhân chuyển qua giai đoạn AIDS, tình trạng đang rất xấu.
Theo tìm hiểu của người viết, gần đây có nhiều người dân trong ấp đã “bí mật” đi xét nghiệm HIV ở TPHCM nhưng không báo kết quả cho mọi người biết. Nhiều trường hợp khác thấy có triệu chứng “khó chịu trong người”, nhưng không dám đi xét nghiệm, vì sợ lại “dương tính”. Khi mọi việc chưa sáng tỏ, bóng ma HIV vẫn còn đè nặng lên cuộc sống người dân nơi đây!
Theo Kỳ Quan
Lao động