"Bóng hồng" 5 năm đăng kí để được đi giữ hòa bình ở nơi nghèo nhất thế giới
(Dân trí) - Tạm gác lại vai trò làm vợ, làm mẹ, nhiều "bóng hồng" Việt Nam đã lên đường sang Nam Sudan để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế.
"Tại sao em lại đăng ký đi lần nữa". Một buổi tối tháng 5 năm 2022, chồng của Trung tá Trần Thuận Trang (Hành chính trưởng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5) lên tiếng sau khi thấy đơn tình nguyện đến Nam Sudan từ vợ.
"Em quay lại vì muốn giúp đỡ những đứa trẻ châu Phi…", chị Trang nói và sau đó nhận được cái gật đầu đồng ý từ chồng.
Năm 2022, Trung tá Thuận Trang từng là 1 trong 63 thành viên quân y Việt Nam lên đường sang đất nước gần như nghèo nhất thế giới vì nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ở đó, cô gái trẻ đã tích cực tham gia khám chữa bệnh cho trẻ em và những người phụ nữ châu Phi. Chính hình ảnh người dân nghèo khổ ấy đã gieo trong lòng cô gái trẻ một tình yêu.
"Lần này trở lại tôi đã chuẩn bị vài món quà và mang tâm thế sẽ cống hiến hết mình cho trẻ em và phụ nữ vì mình còn lời hứa với họ", vị trung tá mỉm cười, nói với phóng viên Dân trí.
Chồng làm hậu phương cho vợ thực hiện nhiệm vụ
Trung tá Trần Thuận Trang là 1 trong 10 thành viên nữ trực thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 5 tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ ở Nam Sudan vào sớm ngày 29/6.
Buổi lễ có sự góp mặt của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, hành trang mang theo của 63 cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội công binh số 2 là niềm tự hào dân tộc, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp cùng những phẩm chất cao đẹp của anh bộ độ Cụ Hồ.
Là 1 trong 10 nữ chiến sĩ của đoàn, Thượng úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Hằng (Khoa Nội truyền nhiễm BV 175) chia sẻ, bản thân đã dành 5 năm đợi chờ để được góp mặt vào hàng ngũ hôm nay.
Thượng úy Hằng nhớ, năm 2017, khi chuyến công tác của Việt Nam đến Nam Sudan được triển khai, chị đã nhanh chóng đăng ký. Thế nhưng, thời điểm đó chị chỉ dừng lại ở hàng ngũ dự bị.
"Đến 3 năm sau thì mình sinh con non, phải ôm ấp suốt trong bệnh viện nên đành lỡ hẹn. Nhiều năm qua mình luôn hồi hộp đợi tin được lên đường làm nhiệm vụ. Mãi đến tháng 5/2022, có quyết định thì mình mới vui và rất tự hào", vị thượng úy vui mừng kể.
Điều khiến chị Hằng hạnh phúc là trong quá trình thực hiện nguyện vọng, chị luôn nhận được sự ủng hộ của gia đình, đặc biệt là từ chồng. Cùng thực hiện nhiệm vụ trong ngành quân y, nhưng từ khi con sinh non, chồng chị đã lui về ở nhà, chọn trở thành người chăm sóc, nuôi dạy con cái.
"Mình cảm thấy biết ơn anh ấy vì đã hy sinh để mình được đứng hàng ngũ quân y Liên Hợp Quốc đến Nam Sudan", Hằng mỉm cười.
Riêng trung úy Thuận Trang chia sẻ, thời điểm lần đầu sang đất nước bạn, chị gặp vô vàn khó khăn về sự khác nhau văn hóa, khắc nghiệt thời tiết… Thế nhưng, chính sự thân thiện của người dân ở châu Phi đã cho chị cảm giác yêu quý mảnh đất nghèo ấy.
"Mình đi nhiều đã trải qua vất vả nhưng nó khiến mình càng muốn thực hiện nhiệm vụ nhiều hơn. Thời điểm đó, chồng mình cũng chấp nhận lui về nuôi dạy con. Thậm chí có lúc nhớ gia đình, mỗi tuần mình chỉ dám gọi điện về 1-2 lần vì nơi đóng quân sóng yếu và đắt đỏ. Thế nhưng, mệnh lệnh Tổ quốc nên mình luôn cảm thấy rất tự hào", chị Trang mỉm cười.
Luyện tiếng Anh một năm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ
Từ tháng 5/2022, sau khi nhận nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế tại Nam Sudan, các chiến sĩ đã nhanh chóng được tổ chức tập huấn. Bên cạnh việc học thêm chuyên môn y tế, hậu cần kỹ thuật, điều mỗi người cần phải đảm bảo đó chính là đạt đủ chứng chỉ tiếng Anh theo điều kiện của Liên Hợp Quốc.
Theo Thượng tá Mai Hợp (Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 5), thời điểm đầu vô cùng khó khăn khi nhiều chiến sĩ lớn tuổi. Thế nhưng bằng quyết tâm và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo mà toàn bộ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tập huấn.
Vị thượng tá chia sẻ, nhiệm vụ lần này của 63 chiến sĩ sẽ là tập trung y tế, khám chữa bệnh cho nhân viên Liên Hợp Quốc và đảm bảo sức khỏe cho người dân địa phương trong phạm vi cho phép. Đây là sứ mệnh cao cả của các chiến sĩ Việt Nam đối với quốc tế.
"Đại diện quốc gia, dân tộc và quân đội đến đất nước khó khăn, đó là thử thách đối với chúng tôi, nhưng cũng là sự tự hào vẻ vang. Chúng tôi quyết tâm sẽ hoàn thành thắng lợi trong công tác" , Thượng tá Mai Hợp nói.
Lần đầu tham gia công tác ở đất nước bạn, Thượng úy Thanh Hằng vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt khi là phái nữ. Thế nhưng, cô vẫn quyết tâm sẽ trải qua khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ.
"Là người con Việt Nam lên đường tham gia gìn giữ hòa bình cho đất nước bạn, mình sẽ đảm bảo sức khỏe và hoàn thành công việc tốt trước khi trở về Việt Nam", vị thượng úy nói.
Được thành lập vào 25/11/2014, Bệnh viện dã chiến trực thuộc BV Quân Y 175 đã triển khai các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Sau nhiều năm hoạt động, Bệnh viện Quân y 175 đã 3 bệnh viện dã chiến gồm số 2 cấp 1, số 2 cấp 3 và nay là số 2 cấp 5 được cử đến Nam Sudan (Châu Phi) nhằm thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, mỗi năm đều có hàng chục chiến sĩ tình nguyện đăng ký lên đường vì Tổ Quốc.
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Hữu Khoa.