Bơm nước cứu hoa Tết, dắt trâu bò chạy lũ trong đêm
(Dân trí) - Tối 14/12, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến người dân một số vùng thấp trũng của huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ngập sâu. Nước lên trong đêm, người dân nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc kê lên cao và dắt trâu bò chạy lũ... Tại Phú Yên, hàng trăm hộ dân xã Bình Ngọc và phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) hối hả ra đồng bơm nước chống úng cứu hoa lay ơn hơn một tháng tuổi và rau Tết
Từ chiều tối ngày 14/12, trời bất ngờ đổ mưa to trở lại nên nước sông Vu Gia dâng cao, một số xã vùng trũng của huyện Đại Lộc như Đại Cường, Đại An… nước lũ dâng cao nhanh. Nhiều người thức trắng đêm để canh lũ, dọn đồ đạc lên cao tránh hư hỏng.
Ngoài ra, một số xã vùng trũng khác của vùng rốn lũ Đại Lộc như xã Đại Lãnh, Đại Hưng nước cũng dâng cao trong đêm, người dân phải dẫn bò đi tránh lũ.
Theo thông báo của Chi cục phòng chống thiên tai khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, mực nước sáng nay ở sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,87m, dưới BĐ3 0,13m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 7,74m, trên BĐ2 0,24m; tại Câu Lâu là 3,61m, dưới BĐ3 0,39m.
Dự kiến, trưa và chiều 15/12, mực nước ở sông Vu Gia tại Ái Nghĩa ở mức 8,5m, dưới BĐ3 0,5m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy ở mức 7,5m, mức BĐ2; tại Câu Lâu lên mức 3,7m, dưới BĐ3 0,3m.
Đến sáng 15/12, mực nước ở các hồ chứa thủy điện trên địa bàn Quảng Nam đang vận hành xả lũ với lưu lượng xả/lưu lượng đến như sau: Thủy điện A Vương 109/353m3/s; Sông Tranh 2: 297/523m3/s; Sông Bung 4: 398/405m3/s.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) – cho biết, sáng nay 15/12, nước sông Vu Giang dâng cao hơn ngày 14/12. Mực nước sông lúc 9h sáng 15/12 chỉ dưới báo động 3 vài cm.
“Dự báo, trưa chiều nay, nước sông Vu Gia sẽ tiếp tục lên vì trời đang mưa lớn. Chính quyền đã thông báo cho người dân chủ động công tác ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại”, ông Hứa Văn Hùng thông tin.
Còn ông Phạm Phú Thủy – Phó Chủ tịch huyện Nông Sơn – cho hay, sáng nay tuyến đường từ huyện Quế Sơn lên huyện Nông Sơn đã bị ngập lụt ở đoạn xã Quế Lộc. Các tuyến đường từ trung tâm huyện về 4 xã phía Tây huyện cũng bị ngập lụt và chia cắt cục bộ.
Ghi nhận trong đợt lũ này có một người tử vong. Theo ông Trần Văn Tốt, Chủ tịch xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, lúc 7h sáng nay (15/12), đã tìm thấy thi thể một người đàn ông đi ra ngoài đồng bắt ốc thì bị chết đuối.
Bơm nước lũ cứu hoa Tết ngập úng
Tại Phú Yên, ghi nhận của PV Dân trí, sáng 14/12, sau một đêm chống chọi với lũ, nước sông ở Phú Yên dần xuống. Từ mờ sáng cùng ngay, hàng trăm hộ dân xã Bình Ngọc và phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) hối hả ra đồng bơm nước chống úng cứu hoa lay ơn hơn một tháng tuổi và rau Tết. Song do lũ chồng lũ, nhiều diện tích ngập sâu bị mất trắng, thiệt hại trung bình theo tính toán là 30 triệu đồng/1.000m2.
Bên vườn hoa lay ơn hơn một tháng tuổi ngập chìm trong nước, ông Phạm Văn Nghĩa (ở khu phố 5, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) rầu rĩ: “Các anh thấy đấy, giờ cứu được bao nhiêu thì cứu. Khu phố có hơn 100 người trồng hoa lay ơn, trung bình mỗi hộ từ 1.000 đến 2.000m2 để bán Tết, giờ 90% diện tích bị ngập phải bơm hút nước. Nếu trời mưa tiếp, coi như toàn bộ diện tích mất trắng”.
Trong khi đó, ở cánh đồng Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, nhiều nông dân không tuân thủ lịch thời vụ vào ngày 20/12, làm hàng trăm hecta lúa đông xuân xuống giống sớm bị ngập úng, phải gieo sạ lại. Bà Nguyễn Thị Phượng (thôn Phước Lộc, xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa), cho hay: “Mấy năm nay, có năm nào lũ lụt vào tháng này đâu nên tôi sạ 1.200m2 lúa. Chờ hết mưa mới sạ lại giống ngắn ngày, năng suất sẽ đạt thấp. Biết là không đúng lịch thời vụ, nhưng bà con ở đây ai cũng làm vậy”.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, mưa lũ nhiều ngày qua làm 6 người bị thương; gây ngập, chia cắt 15 xã, thị trấn; hơn 700 nhà dân bị hư hỏng; khoảng 600ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch ngã đổ và hàng trăm hecta lúa đông xuân gieo sạ sớm ngập úng; một số đoạn đường sắt và đường bộ bị sạt lở gây ách tắc giao thông…
Công Bính - Nhạn Sơn – Doãn Công