Bối rối trước quy định mới về lựa chọn đơn vị tổ chức đấu giá đất
(Dân trí) - Hội Đấu giá viên Hà Nội phản ánh thực tế các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất được phê duyệt kế hoạch trước ngày 1/8 đang gặp khó khăn, vướng mắc do quy định tại khoản 7 Điều 55 Nghị định 102/2024.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch Hội Đấu giá viên TP Hà Nội, vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu ý kiến về quy định tại khoản 7 Điều 55 Nghị định số 102/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, đang gây ra khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, tổ chức đấu giá tài sản ở nhiều địa phương.
Khoản 7 Điều 55 Nghị định 102 quy định "việc lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu".
Nghị định ban hành ngày 30/7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 và không có quy định chuyển tiếp thực hiện.
Trong khi đó, theo Hội Đấu giá viên Hà Nội, phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại một số địa phương đã được phê duyệt trước ngày 1/8, quy định việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá đất theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
Mặt khác, nếu lựa chọn tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu (thuộc lĩnh vực Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý - PV) sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được tiến độ tổ chức cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất theo kế hoạch đã được duyệt.
"Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay đang nhiều ý kiến tranh cãi về việc dịch vụ đấu giá tài sản là dịch vụ tư vấn hay phi tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023", Hội Đấu giá viên Hà Nội phân tích.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Luật Đấu thầu, dịch vụ tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm: Lập, đánh giá báo cáo quy hoạch, tổng sơ đồ phát triển, kiến trúc; báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập thiết kế, dự toán; tư vấn đấu thầu; tư vấn thẩm tra; tư vấn giám sát; tư vấn quản lý dự án; tư vấn thu xếp tài chính; kiểm toán và các dịch vụ tư vấn khác.
Dịch vụ phi tư vấn là một hoặc một số hoạt động dịch vụ bao gồm: logistics, bảo hiểm, quảng cáo, nghiệm thu chạy thử, chụp ảnh vệ tinh; in ấn; vệ sinh; truyền thông; sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng và hoạt động dịch vụ khác không phải là dịch vụ tư vấn quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đấu thầu.
Việc xác định dịch vụ đấu giá tài sản là dịch vụ tư vấn hay phi tư vấn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng quy định pháp luật đấu thầu.
Vì thế, lãnh đạo Hội Đấu giá viên TP Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng xem xét, hướng dẫn cụ thể về trường hợp lựa chọn đơn vị, tổ chức thực hiện cuộc bán đấu giá quyền sử dụng đất đã có phương án đấu giá được phê duyệt trước ngày 1/8 theo Thông tư số 02/2022 của Bộ Tư pháp.
"Chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ đạo kịp thời để việc tổ chức thực hiện các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất được tiến hành theo đúng quy định pháp luật, minh bạch và hiệu quả", Hội Đấu giá viên Hà Nội nêu quan điểm sau khi lắng nghe ý kiến, "tâm tư" của các doanh nghiệp hội viên.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp, quy định tại khoản 7 Điều 55 Nghị định 102 nêu trên đang gây bối rối cho nhiều địa phương và các công ty đấu giá tài sản.
Trước đó, để thực hiện Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội… thực hiện giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai theo đúng quy định, đảm bảo thời gian giải quyết và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.
"Trường hợp có khó khăn, vướng mắc cụ thể, chủ động kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan cấp trên theo quy định", cơ quan này nêu rõ.