ĐBSCL:

Bồi hồi nhớ xuân xưa!

(Dân trí) - Tết Quý Tỵ, bên chén rượu, chén trà,… nhiều người vẫn bồi hồi nhớ tết năm xưa đầm ấm, đầy tình làng nghĩa xóm mà tết bây giờ khó tìm lại được.

Nhiều nét đẹp bị bỏ quên

Các loại bánh truyền thống dần mai mọt: Từ 25 tết đi từ đầu làng đến cuối làng nhà nhà tất bật với những công việc đan vỉ bằng lá dừa, chuẩn bị phơi bánh tráng hoặc chuẩn bị gạo, nếp quết bánh phòng, gối bánh tét,…. Trẻ con xúm xít chạy quây quần, háo hức canh nồi bánh tét, gõ bánh in,… Tất cả những hình ảnh này chỉ còn là hoài niềm, bởi vậy trong khây bánh mời khách ngày tết chỉ toàn là các loại bánh được làm sẵn được gia chủ mua từ ngoài chợ mang về.

Bà Nguyễn Thị Nhung (60 tuổi) – một trong những gia đình còn truyền thống gối bánh tét dịp tết chia sẻ: “Tết đến vui nhất là công việc chuẩn bị, đặc biệt là việc chuẩn bị làm các món bánh truyền thống, như bánh tráng, bánh tét, bánh in,…chính vì điều này làm nên không khí tết rôm rã ngày xưa. Còn bây giờ đến chiều 29 tết, nhà nhà vẫn im lìm như thường ngày, bánh trái người ta chỉ đợi đến chiều 30, chạy ra chợ mua 3 – 4 thứ bánh làm sẵn, vậy là xong. Nếu người lớn mình cứ đà này, dần dà các loại bánh truyền thống sẽ bị mai mọt, trẻ em chẳng biết đòn bánh tét, bánh tráng là gì!”

Bồi hồi nhớ xuân xưa!

Nếu người lớn cứ chạy theo hàng chợ như hiện nay thì dần dà một số loại bánh truyền thống ăn trong dịp tết sẽ dần mất đi

Tát ao, dở chà,…bắt cá ăn tết: Không biết từ lúc nào hình ảnh tát ao bắt cá chuẩn bị ăn tết ở quê không còn nữa. Như 10 – 15 năm về trước khoảng 25, 26 tết là nhà nhà bắt đầu tát ao bắt cá ăn tết. Hồi đó, cá nhiều vô số kể, bởi vậy người dân chỉ cần tát 2 cái ao là có thể ăn tết huy hoàng. Riêng món cá lóc nướng chui, dân thành thị về quê ăn tết là mê tít mắt với món dân dã mà thượng hạng này.  

“Có một nghịch lý thường thấy khi tiếp xúc với nhiều bà con ở thôn quê là khi hỏi thăm về việc ăn tết lớn nhỏ, đa phần đều “than rát ruột” vì không tiền tiêu tết. Thế nhưng từ cái bánh, cân thịt, con cá, mớ rau,…đều ra chợ mua hết. Việc này vừa tốn tiền, vừa làm mất đi không khí ngày tết của thôn quê. Nhìn thì mình tiếc thật nhưng biết làm sao khi người dân cứ chạy theo hàng chợ một cách ào ạt”. Ông Bảy Lành (70 tuổi) ở Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) chia sẻ.

Hình ảnh dở chà bắt cá ăn tết ở miền Tây cũng trôi vào quá khứ (ảnh Đăng Ngọc)

Hình ảnh dở chà bắt cá ăn tết ở miền Tây cũng trôi vào quá khứ (ảnh Đăng Ngọc)

Đón giao thừa: Tôi còn nhớ rất rõ, cách nay khoảng 20 năm thời khắc giao thừa nhà nào cũng sáng đèn, con cái tề tựu đón mừng năm mới. Với những gia đình theo đạo phật thì chuẩn bị mâm quả cúng tổ tiên, trời phật,… Còn gia đình theo đạo công giáo thì sau tiếng pháo giao thừa họ sum hợp cầu nguyện, xin năm mới được bình an, công việc làm ăn thuận lợi,…

“Nhưng tết bây giờ, thời khắc giao thừa cả xóm im ắng, chỉ một hai gia đình thức xem bắn pháo hoa trên tivi, hoặc xem chương trình ca nhạc mừng xuân. Kết thúc màn bắn pháo hoa, chương trình ca nhạc,… người già, người trẻ lần lượt đi ngủ, sau những câu bình phẩm hay, dỡ về màng bắn pháo hoa, chương trình xuân quen thuộc”. Ông Nguyễn Văn Hai (63 tuổi) – xã Xuân Thắng (H. Thới lai, TP. Cần Thơ) chia sẻ.

Ngoài ra, ông Hai còn cho biết, việc Đảng và Nhà nước cấm đốt pháo là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên để giữ được nén đẹp nhà nhà canh đón giao thừa như tết xưa thì nhà nước cần làm gì đó để “tập hợp” được người dân cùng chờ đợi đến phút giao thừa, giúp gia đình có một khoảnh khắc ngồi lại với nhau khi năm cũ qua đi, năm mới đến thì thật ý nghĩa.

Mừng tuổi ông bà: Chẳng biết vì lí do gì việc mừng tuổi ông bà của con, cháu trong mấy ngày tết dần dần mai mọt nếu không muốn nói là mất đi.

“Ông bà ta thường nói: mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng bà tết thầy. Vào 3 ngày này dù bận mấy, bổn phận của người con, người cháu là phải nhớ và dành thời gian đến thăm và mừng tuổi ông bà. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, người ta quên mất việc này, con cái đến thăm hỏi vài tiếng, báo cáo công việc làm ăn lời lỗ rồi sa vào chén rượu say bí tỉ.  Đáng buồn hơn khi một số cha mẹ biến việc mừng tuổi ông bà của con cái thành một dịp “kiếm tiền” trong dịp tết, việc này rất tai hại.” Bà Nguyễn Thị Mai. – một giáo viên về hưu cho biết.

Mỗi nhà tự ăn tết

Chẳng hiểu sao, mỗi năm ngày tết càng vắng lặng, nhất là ở thôn quê. Lí giải về vấn đề này nhiều bạn trẻ cho rằng do vấn đề kinh tế, vụ mùa thất bát hoặc trúng mùa thất giá,… nên người dân e dè trong cách chi tiêu nên tết xẹp lép.

Nhưng hoàn toàn không phải vậy, nhất là hình ảnh tụm 5, tum 7 hò hét cùng nhau dzô 100% hầu như gia đình nào cũng có. Nhà nghèo thì uống rượu đế, khá khá hơn thì uống bia chai, sang hơn nữa thì chỉ toàn là “ken” lon,… nhậu với khô mưc, khô bò và cả khô nai,… Chính những hình ảnh này, nếu nói tết quê vắng lặng do kinh tế là hoàn toàn chưa chính xác.

Số gia đình còn giữ được nếp xưa thế này ở miền Tây không còn là bao

Số gia đình còn giữ được nếp xưa thế này ở miền Tây không còn là bao

Ông Nguyễn Văn Mi (70 tuổi) - ở Tam Bình, Vĩnh Long, ngụm một tách trà cho biết: “Mấy năm về trước khi tết đến bà con dù bận mấy cũng dành chút thời gian đến thăm nhau, chúc tết, uống cốc trà nói chuyện cũng xom tụ lắm! Nhưng bây giờ thì đa phần nhà nào mới ăn tết nhà nấy, chẳng còn thói quen qua lại thăm hỏi như xưa khi tết đến xuân về.”

Giải thích về điều này, ông Mi cho biết, đa số các gia đình ở thôn quê bây giờ đều có con cái đi làm ăn xa, một năm mới về một lần. Chính vì điều này, khi con cháu về ăn tết ông bà thường dành hết thời gian cho con cháu, chẳng còn thời gian đi thăm hỏi bà con láng giềng là vậy.

Một nguyên nhân khác mà các bạn trẻ cũng như thành phần trung niên mắc bệnh lười đi thăm bà con chòm xóm là bị “ma men” bao vây. Cũng vì lí do lâu lâu mới về quê một lần, anh em lâu lâu mới nhậu một lần nên khi vào cuộc là “chơi xả láng, sáng có gian máy cày về” nên chẳng còn sức khoẻ, thời gian để đi thăm hỏi, chúc tết lẫn nhau.

Số gia đình còn giữ được nếp xưa thế này ở miền Tây không còn là bao

Riêng việc mừng tuổi ông bà, người lớn phải có trách nhiệm nhắc nhớ con cháu và phải lam gương vì đây là nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta

Riêng các bạn trẻ, từ khi công nghệ kỹ thuật số phát triển đỉnh cao, xuất hiện điện thoại thông minh, các phương tiện giải trí,… nhiều bạn tré cuốn hút vào đó, mê mẫn với chiếc Iphone, ipad,… chẳng muốn đi đâu, nếu có đi đến đó rồi xả giao một vài câu là tiếp tục ôm chiếc điện thoại lên mạng, quên mất chuyện trò truyện với ông bà.

Ngày xuân, đôi lúc nhìn hình ảnh cụ ông, bà cụ ngồi lặng lẽ uống nước trà ở nhà trên, con cháu đùm túm chè chén um xùm ở nhà dưới cũng thấy buồn lắm tết ơi!

 Nguyễn Hành