1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6:

Bồi đắp đảo nhân tạo có thể dẫn đến xung đột trên Biển Đông

(Dân trí) - Trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông.

Trên đây là ý kiến được các học giả, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh trong ngày làm việc thứ hai (18/11) của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” diễn ra tại Đà Nẵng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong ngày làm việc thứ hai cũng là ngày làm việc cuối cùng của hội thảo, các chuyên gia, học giả đã tập trung thảo luận về vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế; các yêu sách tại Biển Đông và tranh chấp biển; quy chế lãnh thổ, vùng biển và vùng trời trong quy định của luật pháp quốc tế.

Tại hội thảo, các học giả đặc biệt nhấn mạnh rằng trong tình hình căng thẳng hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi “nguyên trạng” tại Biển Đông.

Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để khẳng định yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế hiện hành mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.

Một số ý kiến của các học giả tại hội thảo cho rằng với tầm quan trọng chiến lược, Biển Đông đã trở thành không gian cạnh tranh chiến lược gián tiếp giữa các cường quốc; làm phức tạp các nỗ lực đàm phán tìm ra giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.

Bức tranh địa chính trị châu Á trở nên phức tạp thêm với sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực ngày càng trở nên gay gắt, làm vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp và khó giải quyết.

Tuy nhiên, một số học giả  cho rằng tình hình phức tạp ở Biển Đông cũng mở ra các cơ hội để các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN trong và ngoài khu vực đóng vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Điển hình như Liên minh châu Âu, một đối tác ASEAN có nhiều lợi ích chiến lược tại Biển Đông và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống, quản lý xung đột, sáng lập và thực hiện các quy tắc luật quốc tế, có thể chia sẻ các kinh nghiệm của mình, giúp các nước trong khu vực Biển Đông quản lý và giải quyết tranh chấp tại khu vực.

Nhiều học giả đã nêu đề xuất giảm thiểu căng thẳng bằng cách thành lập những cơ chế quản lý khủng hoảng trên biển mới và khuyến khích tất cả các bên liên quan có thái độ hợp tác linh hoạt, tìm những cách áp dụng và giải thích luật pháp quốc tế phù hợp, được công nhận rộng rãi để giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội thảo vào chiều 18/11, Đại sứ Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nêu lại một số chủ đề lớn và mới nổi lên trong quá trình thảo luận mà ý kiến còn khác nhau như: Hiểu rõ hơn và minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông; Hiện trạng và cách giữ nguyên trạng Biển Đông; Hiểu rõ và thống nhất “luật chơi” chung ở Biển Đông

Đại sứ Đặng Đình Quý chia sẻ kỳ vọng: “Tại Hội thảo, vấn đề Biển Đông đã được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau như địa chính trị, quan hệ quốc tế, luật pháp quốc tế. Nhiều đóng góp tâm huyết, rất có giá trị từ các học giả trong và ngoài khu vực đã được đưa ra, tất cả với chung một mục đích giúp tăng cường hiểu biết, lòng tin và hợp tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở Biển Đông.

Chúng tôi tin tưởng rằng, các khuyến nghị và ý kiến đóng góp tâm huyết đó sẽ được chuyển tới các bên hữu quan, các cơ quan chức năng qua các kênh và con đường khác nhau, để biến các mong muốn và ý nguyện chung của chúng ta thành hiện thực”. 

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm