Bốc thăm chọn ngẫu nhiên cán bộ để xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập
(Dân trí) - Việc lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập hàng năm sẽ thực hiện theo hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên.
Luật Phòng chống tham nhũng có nội dung giao Chính phủ xây dựng Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Dự thảo Nghị định này vừa được Thanh tra Chính phủ gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, có những quy định chi tiết về tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh và phê duyệt kế hoạch xác minh những nội dung kê khai hằng năm. Theo đó, các trường hợp đưa ra để xác minh sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên.
Cụ thể, dự thảo đã quy định chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.
Số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên).
“Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị”- Thanh tra Chính phủ cho hay.
Việc quy định tỷ lệ 20% cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm trong 1 nhiệm kỳ bổ nhiệm, bất cứ cán bộ nào thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hàng năm đều có khả năng được xác minh ngẫu nhiên. Tuy vậy, một số ngành, lĩnh vực có số lượng cơ quan, đơn vị trực thuộc quá lớn thì việc xác minh 20% số cơ quan, đơn vị trực thuộc sẽ có khó khăn, do đó một số bộ, ngành đã quy định chỉ xác minh tối thiểu 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Thanh tra Chính phủ cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng quy định ngoài việc xác minh ngẫu nhiên hàng năm thì việc xác minh còn được tiến hành trong nhiều trường hợp khác như: Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; có tố cáo về việc kê khai không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo; có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền.
Do đó, dự thảo quy định tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm chỉ tập trung vào đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm
Một số trường hợp sẽ không lựa chọn để xác minh như những người đang bị điều tra, truy tố, xét xử, đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận hoặc người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, không đưa vào kế hoạch xác minh ngẫu nhiên hàng năm đối với phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác…
Chưa công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú
Dự thảo quy định cụ thể việc Thanh tra Chính phủ tiếp nhận bản kê khai của những người có phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,9 trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; Chủ tịch Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Thành viên Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Trưởng ban Kiểm soát, Kế toán trưởng doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và do Ủy ban quản lý vốn nhà nước trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.
Đối với người có nghĩa vụ kê khai không thuộc diện kiểm soát của Thanh tra Chính phủ thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, bàn giao bản kê khai cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao do có số lượng người phải kê khai tài sản lớn hoặc đặc thù công tác của ngành nên dự thảo nghị định đã giao Bộ trưởng các Bộ này quy định việc tổ chức tiếp nhận, bàn giao bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai thuộc phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập của mình. Riêng việc nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia được thực hiện theo quy định của Thanh tra Chính phủ đảm bảo an toàn, an ninh về thông tin theo quy định.
Về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài việc công khai bản kê khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thì còn phải “gửi bản kê khai đến Ban công tác mặt trận ở thôn, tổ dân phố và niêm yết tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố”.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng Luật Phòng chống tham nhũng chưa quy định về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi cư trú nên nghị định chỉ quy định về hình thức công khai ở cơ quan, tổ chức, đơn vị và khi việc bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo đúng phạm vi luật giao Chính phủ quy định chi tiết. Dự thảo nghị định hiện đang thực hiện theo loại ý kiến này.
Thế Kha