1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ nước tương độc tố:

“Bộ Y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính”

(Dân trí) - Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã bày tỏ như vậy về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương vượt ngưỡng cho phép được phát hiện từ năm 2005 nhưng mãi đến thời điểm này mới công bố.

Sau vụ việc nước tương có hàm lượng 3-MCPD vượt ngưỡng cho phép, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có khuyến nghị gì, thưa ông?

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo nên thu hồi số nước tương các doanh nghiệp vi phạm có tên trong danh sách đang được đem tiêu thụ trên thị trường. Các cơ sở sản xuất còn lại cần tiến hành kiểm tra gắt gao.

Tôi đề nghị, phải có sự quy định trách nhiệm trong vụ việc này cho một cơ quan Nhà nước cụ thể. Phải quy trách nhiệm cho một cơ quan đứng trước dân, chịu trách nhiệm trước dân về vấn đề này. Không thể để tình trạng có tới 11 đơn vị cùng chịu trách nhiệm nhưng đến khi hỏi ra thì trách nhiệm lại không thuộc về ai cả. Điều này dễ dẫn tới việc đùn đẩy trách nhiệm, đùn đẩy nghĩa vụ.

Chẳng hạn, xung quanh vụ nước tương hiện nay, Bộ Y tế đang đổ lỗi cho Bộ Công nghiệp. Rốt cuộc lại, chỉ có người tiêu dùng và vẫn là người tiêu dùng bị chịu thiệt. Nhưng nếu lấy Nghị định Bảo vệ người tiêu dùng mà soi vào thì Bộ Y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Ông đánh giá như thế nào về khâu công bố thông tin của Việt Nam hiện nay?

Qua vụ việc nước tương, có thể thấy khâu công bố thông tin hiện nay vừa chậm trễ, vừa yếu kém. Từ đó, đặt ra vấn đề phải có chế độ cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin xuống cơ sở để người tiêu dùng được tường tận, tự biết mà bảo vệ mình.

Trong 8 quyền của người tiêu dùng có quyền được công bố thông tin. Sở Y tế TPHCM phát hiện vụ việc 2 năm mới công bố là điều hết sức đáng tiếc. Người tiêu dùng cần được thông tin trung thực, kịp thời.

Chúng ta vẫn hô hào, người tiêu dùng phải là những người thông thái, phải biết trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình, nhưng để người tiêu dùng thông thái thì cần phải cung cấp thông tin trung thực cho họ. Nếu các cơ quan chức năng cứ mãi bưng bít thông tin thì làm sao người tiêu dùng thông thái được.

Tuy nhiên, không chỉ là cung cấp thông tin khâu cuối cùng. Tức là khi doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), người tiêu dùng bị xâm hại quyền lợi chúng ta mới công bố thông tin, mà phải thông tin đón đầu, ngay từ quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Có thể điều này sẽ gặp rào cản do nhiều doanh nghiệp sẽ vin vào cớ phải giữ bí mật, bí quyết kinh doanh, quy trình công nghệ trong quá trình sản xuất để đảm bảo tính cạnh tranh. Nhưng đừng để vì những bí mật kinh doanh này mà làm hại đến người tiêu dùng, chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào chính ý thức thành thật của doanh nghiệp.

Còn về khâu kiểm định chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm?

Hiện nay, khâu kiểm định chất lượng VSATTP chưa làm thoả mãn người dân. Khi mà ngay cả sản phẩm nào an toàn, sản phẩm nào không an toàn, người tiêu dùng cũng chưa biết. Ở thành phố cũng chưa biết, nói gì đến người tiêu dùng ở vùng nông thôn, miền núi sẽ chịu thiệt thòi trong tiêu dùng!

Hiện cũng chưa có một báo cáo điều tra chính thức để người tiêu dùng biết từ năm 2001 đến nay, đã có bao nhiêu sản phẩm lưu hành trên thị trường đã vi phạm VSATTP. Theo đó, số liệu điều tra cung cấp cho người tiêu dùng cần phải rõ ràng. Không thể xem đây là việc “cưỡi ngựa xem hoa” mà cần giải quyết đến nơi đến chốn.

Qua vụ việc sữa tươi không nguyên chất giờ là vụ nước tương, việc bồi thường cho người tiêu dùng chưa được giải quyết triệt để?

Ở vụ sữa trước đây và giờ là vụ nước tương, chúng ta khó có thể đòi bồi thường cho từng người tiêu dùng cụ thể. Vì không phải người tiêu dùng nào mua chai nước tương cũng có hoá đơn chứng từ.

Nhưng phải khẳng định là đã rất nhiều người mua, sử dụng sản phẩm này trong nhiều năm qua. Ở các nước trên thế giới, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây hại phải bồi thường cho người tiêu dùng có thể bằng tiền. Nhưng ở nước ta, chưa có cơ chế xác định số lượng người tiêu dùng đã bị xâm phạm quyền lợi, hay khó xác định mức độ thiệt hại của người tiêu dùng đến đâu.

Biện pháp tốt nhất hiện nay mà nhiều nước cũng đã áp dụng là doanh nghiệp vi phạm phải đóng góp định kỳ hàng năm cho một quỹ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Số tiền này sẽ được dùng để xây dựng phòng thí nghiệm, làm công tác từ thiện…

Vì suy cho cùng, nhà sản xuất không thể bồi thường cho cả xã hội. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị cần có một quỹ như vậy để các doanh nghiệp vi phạm phải có đóng góp cho những thiệt hại họ gây ra cho người tiêu dùng.

Tôi cũng khuyến cáo doanh nghiệp không nên hy sinh lợi ích người tiêu dùng vì mục tiêu lợi nhuận. Đó là sự vi phạm không chỉ về VSATTP mà cả đạo đức kinh doanh.

Vậy với tư cách là hội bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Hội đã trình lên cơ quan quản lý Nhà nước những nội dung gì qua vụ việc nước tương lần này, thưa ông?

Hiện nay, có hai vấn đề chưa làm được với sản phẩm nước tương: Thứ nhất, người tiêu dùng đang đặt ra câu hỏi: kết luận nước tương có chứa chất 3-MCPD vượt ngưỡng cho phép đã phát hiện ra từ năm 2005 nhưng sao phải để đến bây giờ mới công bố?

Thứ hai, chưa có danh sách những doanh nghiệp chưa vi phạm. Điều này không tiến hành nhanh sẽ khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng; khi mà Sở Y tế TPHCM đã công bố danh sách 17 doanh nghiệp vi phạm trong vụ việc này. Vậy người tiêu dùng không rõ những doanh nghiệp còn lại sản xuất nước tương có an toàn hay không.

Trên quan điểm của tôi, xung quanh vụ nước tương có 11 đơn vị phải cùng chịu trách nhiệm, nhưng lấy Nghị định bảo vệ người tiêu dùng mà soi vào Bộ Y tế phải là cơ quan chịu trách nhiệm chính.

Xin cám ơn ông!

An Hạ (ghi)