Bộ Y tế loại bớt tiêu chuẩn với người lái xe
"Việc đặt ra tới 83 tiêu chuẩn là không bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính, từ đó có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khoẻ để cấp bằng lái xe", Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn khẳng định.
Cục Kiểm tra văn bản lên tiếng
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) khẳng định, việc đặt ra tới 83 tiêu chuẩn là không bảo đảm yêu cầu về CCHC, từ đó có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dễ dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khoẻ để cấp bằng lái xe.
Ngày 24/10, Cục Kiểm tra văn bản đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị đình chỉ ngay việc thi hành, tạm ngưng thời hiệu áp dụng đối với hai Quyết định 33 về tiêu chuẩn sức khoẻ của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Quyết định 34 về tiêu chuẩn sức khoẻ người tàn tật điều khiển xe mô tô, xe ba bánh dành cho người khuyết tật.
Theo Cục này, việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn, đặc biệt có những tiêu chuẩn cụ thể về chiều cao, cân nặng, số đo vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác không phù hợp đã hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, ở đây là phương tiện giao thông; tạo sự phân biệt đối xử không cần thiết đối với một số công dân có hạn chế về các tiêu chuẩn nêu trên.
Mặt khác, một loạt các tiêu chuẩn về sức khoẻ chưa bảo đảm về tính hợp lý, không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau. Có ý kiến nhận định một số tiêu chuẩn chưa bảo đảm cơ sở khoa học cũng như thông lệ quốc tế.
Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản khẳng định, việc đặt ra tới 83 tiêu chuẩn là không bảo đảm yêu cầu về cải cách hành chính, từ đó có thể gây phiền hà cho người dân cũng như dễ dẫn đến tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khoẻ để cấp bằng lái xe.
Theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ, “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khoẻ của người lái xe và quy định việc khám sức khoẻ định kỳ đối với người lái xe ô tô”.
Công văn số 1992 ngày 21/12/2007 của Thủ tướng giao “Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện sức khoẻ, mức độ bị hạn chế về vận động của người tàn tật được phép sử dụng xe cơ giới dùng cho người tàn tật”.
Ông Sơn chốt lại: "Như vậy, hai quyết định nói trên của Bộ Y tế là trái thẩm quyền. Vấn đề này phải do liên bộ ban hành Thông tư liên lịch”.
Bộ Y tế thừa nhận sai sót
Chiều 27/10, đại diện Bộ Y tế, Bộ GTVT đã có cuộc họp nhằm xem xét lại các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, của người khuyết tật điều khiển mô tô, xe máy ba bánh do Bộ Y tế vừa ban hành.
Sau cuộc họp, ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đây là bất cập thuộc về lỗi kỹ thuật trong việc xây dựng và ban hành văn bản của Bộ Y tế. Sau khi xem xét lại các tiêu chuẩn về sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng thống nhất sẽ có hướng dẫn thực hiện các quy định trên theo hướng thông thoáng, tránh phiền hà cho người dân.
Ông Tường cho biết Bộ Y tế đã giao cho Viện Giám định y khoa rà soát lại các tiêu chuẩn về mặt sức khỏe, có thể sẽ rút xuống còn khoảng 40 chỉ số, chứ không phải 83 chỉ số như hiện nay. Dự kiến, cuối tuần này, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện.
Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng khẳng định, Bộ Y tế ban hành bảng tiêu chuẩn sức khỏe trên là đúng quy trình. Bởi từ năm 1962, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản số 70/QĐ-TTg ban hành tiêu chuẩn sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong đó có một số quy định về chỉ số rất đáng chú ý như: Đối với người lái xe cơ giới từ 1-3 tấn phải có chiều cao đủ từ 1,5 m và vòng ngực từ 80 cm, hay lái xe từ 3-5 tấn, phải có chiều cao trên 1,55m. Theo ông Tường, để ban hành được quy định về tiêu chuẩn sức khỏe mới, Bộ Y tế đã qua 11 lần dự thảo và có sự góp ý của rất nhiều đơn vị gồm: Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB-XH với ý kiến chung là cơ bản đồng ý với bố cục nội dung của bảng tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ Y tế soạn thảo.
Trước đó, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế đình chỉ ngay việc thi hành và tạm ngưng hiệu lực áp dụng đối với quy định số 33/2008/QĐ-BYT về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, quy định số 34/2008/QĐ-BYT về tiêu chuẩn sức khỏe của người khuyết tật điều khiển mô tô, xe máy 3 bánh dành cho người khuyết tật. Theo Bộ Tư pháp, việc đưa ra một loạt tiêu chuẩn về sức khỏe chưa bảo đảm về tính hợp lý và không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau. Những quy định này có thể gây ra nhiều phiền hà cho người dân cũng như dễ tiêu cực trong việc khám, chứng nhận sức khỏe cấp bằng lái.
Theo VTC -Người lao động