Bộ Xây dựng góp ý chống ngập cho TPHCM
(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có văn bản góp ý cho dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (gọi tắt là Dự án chống ngập). Theo đó, Bộ đề nghị cần nghiên cứu theo hướng liên kết với quy hoạch thoát nước TP.
“Nhốt” TP trong đê bao
Theo Dự án chống ngập do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chủ trì, nguyên nhân gây ngập úng TPHCM là do ba yếu tố: mưa, lũ, triều. Trong đó, có 1/3 số điểm ngập của TP là do triều. Vì vậy, Bộ đề xuất dự án này để kiểm soát yếu tố ngập do lũ và triều cường.
Bộ NN&PTNT đề xuất xây dựng 12 cống (van ngăn triều) trên các tuyến sông, kênh chính để kiểm soát triều; trong đó có năm van ngăn triều được xây dựng như những âu thuyền có thể điều khiển đóng mở cho nước vào ra và tàu thuyền đi lại.
Ngoài ra, TP sẽ được bao bọc bởi một hệ thống đê bao dài 165km, cao trình hơn 2,5m. Trong đó có hai tuyến đê bao lớn chạy dọc sông Sài Gòn (từ rạch Ông Dầu đến Vĩnh Bình, cao 2,8m, rộng 8,5m) và sông Đồng Nai (từ Long Phước, Long Trường đến Trường Thạnh, Phú Hữu, cao 3,2m, rộng 12m). Các tuyến kênh trục thoát nước chính sẽ được cải tạo với tổng chiều dài gần 110km...
Với các giải pháp này, mục đích của dự án là sẽ kiểm soát được các đợt triều cường, lũ lớn… giúp TP không bị ngập do triều và lũ. Tổng kinh phí dành cho dự án là 11.000 tỷ đồng.
Có nguy cơ nước không thoát được
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học tại TPHCM cho rằng: dự án này quá chú tâm vào việc giải quyết ngập do lũ và triều nên đã tách hẳn khỏi các chương trình thoát nước đô thị của TPHCM. Do vậy, các chuyên gia lo ngại, nếu không tính toán 1 cách tổng thể thì dự án này có thể sẽ ngăn không cho nước mưa thoát khỏi TP.
Hiện tại TPHCM đang thực hiện hàng loạt dự án thoát nước cho từng lưu vực như: Dự án cải thiện môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi, kênh Tẻ; Dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Dự án cải tạo rạch Tham Lương - Bến Cát…
Tất cả các dự án theo quy hoạch thoát nước của TPHCM tiêu tốn đến 60.000 tỷ đồng. Nếu nó hoàn thiện, có thể giải quyết vấn đề thoát nước, giúp TP hết ngập do mưa. Nhưng nếu lúc ấy TP bị bao bọc bởi một hệ thống đê bao ngăn triều, gặp lúc triều cường mà mưa to thì nước mưa không thể thoát ra sông vì đã có hệ thống đê bao chắn lối. Khi ấy, TPHCM có nguy cơ ngập nặng hơn.
Do vậy, theo Bộ Xây dựng, vấn đề lớn nhất là phải kết hợp dự án này với quy hoạch thoát nước của TP, việc chống ngập phải được xét trên tất cả các yếu tố mưa, triều, lũ. Việc xây dựng đê bao, cống ngăn triều phải tính đến cả phương án thoát nước ra sông khi TP có mưa lớn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng: vấn đề nổi cộm của TPHCM là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các khu vực trũng trước đây có vai trò điều hòa nước mưa và chống triều cường bị thu hẹp, do vậy khi trời mưa nước tiêu thoát không kịp. Vì vậy, cần xem xét cả biện pháp xây dựng hệ thống các hồ điều hòa, có thể nạo sâu các kênh mương nội thành để làm hồ điều hòa cho đỡ chi phí…
Tùng Nguyên