Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục về việc bút phê lý lịch
(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) - khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ... Chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
- Từ năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có Công văn số 1520/HTQTCT-CT yêu cầu UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng. Nhưng tại sao vừa qua ở Hải Dương và Hà Nội lại xảy ra chuyện xác nhận cả việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật vào sơ yếu lý lịch như vậy, thưa ông?
- Chúng tôi vừa báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về chuyện này. Đến nay tinh thần hướng dẫn trong Công văn số 1520 vẫn đúng. Suốt từ năm 2014-2016 thì không có vấn đề gì, nhưng có thể thời gian vừa rồi cán bộ tư pháp, lãnh đạo xã đã thay mới nên không tiếp cận được văn bản hướng dẫn này.
Năm 2014, xuất phát từ việc người dân yêu cầu xác định lý lịch cá nhân khiến địa phương thực hiện không thống nhất, có nơi chỉ xác nhận anh A, chị B sinh sống ở đây, có nơi xác nhận chữ ký đã khai trong lý lịch này là đúng, có nơi lại xác nhận “chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật tốt”,....
Khi đó chúng tôi đang dự thảo Luật Chứng thực có đưa vào hành vi xác nhận của UBND cấp xã với yêu cầu của người dân, nhưng khi dự thảo luật trình lên thì lãnh đạo Bộ Tư pháp yêu cầu trước mắt chưa làm Luật Chứng thực.
Chính vì thế, căn cứ vào Nghị định 23 của Chính phủ về chứng thực, chúng tôi đã hướng dẫn xác nhận hành chính như thế nào đó cho thuận lợi với người dân. Vận dụng pháp luật về chứng thực thì nếu trường hợp ông Chủ tịch xã biết chắc về gia đình này rồi thì xác nhận nội dung khai là đúng.
Nếu không biết, mà nhiều trường hợp không biết thật, thì chỉ xác nhận chữ ký, áp dụng thủ tục xác nhận chữ ký đã nêu trong Nghị định 23 thôi. Tức là cho người ta phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin khai về ông bà, bố mẹ, anh em gì đó, còn UBND xã chỉ chứng thực chữ ký trong đó là đúng, ký trước mặt mà thôi.
UBND xã không xác nhận kiểu “chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật”, bởi câu đó rất chung chung. Cả hệ thống pháp luật to đùng gồm cả hình sự và dân sự mà bây giờ bảo xác nhận “chấp hành pháp luật” là chấp hành cái gì?
Chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng rất rộng lớn mà xác nhận chung chung thế cũng không ổn. Pháp lý phải chặt chẽ.
Chúng tôi đã yêu cầu không xác nhận chấp hành pháp luật. Các vấn đề liên quan đến pháp luật thì đã có quy định về lý lịch tư pháp rồi. Xác nhận một cái vô thưởng vô phạt như thế, cấp xã cũng chưa có văn bản nào quy định xác nhận cái đó của công dân cả.
Chúng tôi đã hướng dẫn áp dụng Nghị định 23 về chứng thực, chữ ký, không đưa xác nhận chủ trương, chính sách, pháp luật vào.
Nhiều địa phương áp dụng cái này và năm 2015-2016 thì không có gì cả. Năm nay các cháu xin xác nhận lý lịch để đi học thì nổ ra chuyện ở Hà Nội, Hải Dương.
- Trong phần Lý lịch học sinh, sinh viên (bản có đóng dấu treo của Bộ GD-ĐT), ở Mục “Xác nhận của chính quyền xã phường nơi học sinh, sinh viên cư trú” có yêu cầu rất chi tiết: “Đề nghị chính quyền địa phương xác nhận theo nội dung: Hộ khẩu thường trú, việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”. Như vậy yêu cầu này của ngành giáo dục là không đúng với hướng dẫn của Bộ Tư pháp?
- Nếu yêu cầu đó là của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng tôi sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để làm việc với bộ phận pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể quy định cấp xã phải làm thế nào về lý lịch tư pháp. Công tác chuyên môn chứng thực đã có văn bản hướng dẫn và phải tuân thủ. Hơn nữa cấp xã phải thực hiện theo đúng Luật Chính quyền đia phương. Các lĩnh vực chuyên ngành đều đã có văn bản quy định cả rồi. Giáo dục thì có Luật giáo dục.
Nếu ngành giáo dục lại quy định cấp xã phải xác minh về cái này cái kia thì phải xem lại. Tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp rồi, chúng tôi sẽ trao đổi với bên Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc này.
- Nhưng về lâu dài thì vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khi nào xây dựng Luật Chứng thực thì trong đó sẽ bổ sung phạm vi vào; trong đó có việc chứng thực, chứng nhận về hành vi xác nhận hành chính.
Đến nay nhiều việc của UBND xã chưa có cơ sở pháp lý, chủ yếu áp dụng pháp luật thôi. Ví dụ như xác nhận gia đình có công với cách mạng thì dễ nhưng xác nhận gia đình chính sách, hộ nghèo thì hiện nay chưa được hướng dẫn. Chính vì thế các thủ tục giải quyết phải làm sao cho hợp lý, chứ hiện nay ở cấp xã toàn vận dụng thôi.
- Xin cảm ơn ông!
Theo công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20/3/2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp địa phương chỉ đạo UBND cấp xã chỉ chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch. Người khai phải tự chịu trách nhiệm về nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch. Trường hợp người thực hiện chứng thực của UBND cấp xã biết rõ về nhân thân của người khai sơ yếu lý lịch và yên tâm, tin tưởng vào nội dung đã khai trong sơ yếu lý lịch của người đó, thì xác nhận nội dung sơ yếu lý lịch là đúng.
“UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân” - công văn nêu rõ. Theo ông Nguyễn Công Khanh, hiện nay tinh thần của Công văn số 1520 vẫn phải được áp dụng thực hiện.
Thế Kha (thực hiện)