1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Tư pháp rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo

(Dân trí) - Theo kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017-2021 vừa được Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành, số lượng nguồn quy hoạch đối với mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý không quá 4 người cho 1 chức danh; không quy hoạch 1 chức danh chỉ có 1 người; không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh.


Trụ sở Bộ Tư pháp

Trụ sở Bộ Tư pháp

Ông Lê Thành Long - Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch số 05-KH/BCSĐ rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2017-2021 và xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026 của Bộ Tư pháp.

Trong đó đặt ra yêu cầu về sự kế thừa quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý hiện có; tạo được sự đoàn kết, ổn định chính trị, đồng thuận trong đội ngũ công chức, viên chức và tạo được động lực để cán bộ rèn luyện, cống hiến, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ. Nội dung đánh giá về uy tín của cán bộ được thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ. Cán bộ đưa vào quy hoạch phải bảo đảm sức khoẻ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh quy hoạch.

Quy hoạch phải bảo đảm phương châm “mở” và “động”; có sự kết hợp giữa nguồn cán bộ tại chỗ - từ nơi khác, trong ngành - ngoài ngành, giữa trung ương - địa phương và giữa các vùng miền, trong đó quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026 phải có cán bộ tư pháp địa phương hoặc tổ chức pháp chế bộ, ngành.

Đối với cán bộ đương chức, chỉ quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái cử, tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm khi xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ tới và các nhiệm kỳ tiếp theo, cũng như khi rà soát, bổ sung quy hoạch của nhiệm kỳ hiện tại.

Đối với cán bộ đảm nhiệm chức danh có quy định một người không giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp, cần xem xét đưa vào quy hoạch chức vụ khác hoặc bố trí giữ chức vụ đó ở cơ quan, đơn vị khác.

Số lượng nguồn quy hoạch đối với mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý không quá 4 người cho 1 chức danh; không quy hoạch 1 chức danh chỉ có 1 người; không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh; đối với quy hoạch cấp phó (3-4 vị trí cấp phó/đơn vị), cần cân nhắc số lượng cán bộ dự nguồn cho phù hợp với tình hình số lượng, chất lượng cán bộ của đơn vị để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của quy hoạch.

Kế hoạch vừa được phê duyệt yêu cầu bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch; giãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm, cơ bản đạt tỷ lệ: Đối với cấp Phòng (dưới 40 tuổi 50%, từ 40-50 tuổi 30%, trên 50 tuổi 20%); đối với cấp Vụ (dưới 40 tuổi 30%, từ 40-50 tuổi 50%, trên 50 tuổi 20%); đối với cấp Bộ (dưới 40 tuổi 10%, từ 40-50 tuổi 60-70%, trên 50 tuổi 20-30%). Cán bộ trong diện quy hoạch phải bảo đảm khi được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu vào các chức danh lãnh đạo, quản lý có đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ là 5 năm).

Tỷ lệ cán bộ nữ nhìn chung đạt tối thiểu 25% ở mỗi chức danh quy hoạch; tăng cường bổ sung cán bộ trong độ tuổi thanh niên (dưới 30 tuổi), cán bộ trẻ có triển vọng kể cả chưa là đảng viên vào quy hoạch, nhất là đối với quy hoạch cán bộ cấp phòng; chú ý quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số đối với địa phương có đông đồng bào người dân tộc thiểu số theo hướng bảo đảm tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch tương ứng với tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ quan, đơn vị.

Thời điểm tính tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý tính theo thời điểm bầu cử Quốc hội, đối với nhiệm kỳ 2021-2026 là tháng 5/2021.

Theo Kế hoạch số 05-KH/BCSĐ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên phải dựa trên quy hoạch cấp dưới và định hướng nhân sự giới thiệu để lựa chọn vào quy hoạch của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, liên tịch lãnh đạo và cấp ủy Đảng của các đơn vị, bảo đảm sự liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của các cấp.

Thế Kha