Bộ trưởng Y tế: Kiểm tra sai phạm toàn thấy “vở sạch chữ đẹp”!

(Dân trí) - “Mổ xẻ” lại những vụ việc tai tiếng xảy ra thời gian qua như ăn bớt vaccine, tai biến khi tiêm vaccine viêm gan B, “nhân bản” xét nghiệm…, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhắc Bộ trưởng Y tế “xuất hiện với thông điệp về trách nhiệm”.

Chiều 25/4, UB Các vấn đề xã hội tổ chức phiên thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết chất vấn của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cho biết, một số vụ sai phạm, tiêu cực liên quan đến lĩnh vực y tế như vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong vì tiêm vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, vụ bê bối đấu thầu thuốc ở bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau… UB đã có văn bản gửi Bộ Y tế.

Đối với vụ vaccine viêm gan B ở Quảng Trị, ông Tiên thông tin, một Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu có báo cáo nhanh tới UB Thường vụ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận của Bộ Công an. Nguyên nhân ban đầu ngành y tế đưa ra là do sốc phản vệ.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nhắc lại, vụ việc xảy ra với các cháu bé khi vaccine lấy ra sử dụng không được tuân thủ đúng kỹ thuật. Vaccine được bảo quản trong một tủ lạnh dân dụng, để lẫn nhiều loại sinh phẩm khác. Chưa thể nói có việc tiêm nhầm vaccine hay không nhưng ông Tiên khẳng định, quá trình tiêm đã được xác định không đúng kỹ thuật.

Khi bất thường xảy ra với trẻ sau tiêm, gia đình của các cháu bé cũng gọi mãi không được bác sỹ. Bác sỹ đến nơi thì các bệnh nhi đã tím tái, sau 15 phút, lần lượt các cháu tử vong.

Thêm một biểu hiện tắc trách là việc bảo quản tang vật sau đó cũng không theo các quy định, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra khi tiếp nhận vụ việc.
Bộ trưởng Y tế: Kiểm tra sai phạm toàn thấy “vở sạch chữ đẹp”!
Bộ trưởng Y tế: "Vụ tai biến vaccine viêm gan B ở Quảng Trị yếu tố lỗi đã rất rõ ràng, nhưng có vấn đề về y đức không cần đợi kết luận của công an".

Vụ “nhân bản” xét nghiệm, bản chất theo ông Tiên là muốn lạm dụng một chút bảo hiểm y tế, số tiền sai phạm, chiếm dụng tuy không đáng kể nhưng là một lỗi rất nặng về y đức đối với ngành.

Ông Tiên yêu cầu Bộ trưởng Y tế báo cáo rạch ròi về trách nhiệm của các cấp ngành liên quan trong các vụ việc đau lòng này.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhận định, liên tiếp các vụ việc xảy ra khiến tâm lý, cảm tình của người dân đối với ngành y chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Cử tri rất gay gắt khi đặt vấn đề sinh mệnh bao nhiêu con người đã trả giá vì những tắc trách, tiêu cực của cán bộ y tế.

“Tôi có giải thích mức độ nghiêm trọng của vấn đề cũng giống như tình trạng tai nạn giao thông nhưng bà con nói không phải vì người ta gặp nguy hiểm khi đi chữa bệnh, đi tiêm phòng chứ không đi ra đường” - ông Châu cho biết, cử tri đặt vấn đề so sánh đạo đức của cán bộ ngành y với đạo đức người lái xe - nắm trong tay sinh mạng của nhiều người khác.

Và đại biểu bức xúc vì vấn đề y đức xuống cấp, tiêu cực phổ biến tràn lan diễn ra trong nội bộ ngành nhưng các vụ việc được phát hiện, phanh phui chủ yếu do báo chí, tố cáo của người dân; còn tự thân ngành, trách nhiệm của cơ quan quản lý rất mờ nhạt.

Đáp lời, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ sự đau lòng chia sẻ đối với những vụ việc lùm xùm, tiêu cực xảy ra thời gian qua. Vụ tiêu cực ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, bà Tiến xác nhận là một cách “ăn gian không hình dung được”, một cách rút ruột bảo hiểm y tế.

Nhận định không có gì để biện minh cho vụ việc ở Hoài Đức, bà Tiến cũng thông tin bản thân đã ký quyết định khen thưởng với những người đã tố cáo tiêu cực ở đây nhưng cơ quan công an có nhắc Bộ Y tế cần cân nhắc, trì hoãn vì còn nhiều vấn đề.

“Hỏi về vấn đề trách nhiệm với vi phạm, ngành có thông tư quy định rất rõ. Còn những người cố tình làm sai thì chỉ có nội bộ mới biết chứ thanh tra Sở, Bộ cũng chịu vì khi đến kiểm tra họ đều đưa “vở sạch chữ đẹp” ra” – bà Tiến trình bày.

Bộ trưởng Y tế cũng khẳng định ngành đã tự phát hiện được nhiều việc như ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Tuy nhiên, thanh tra mới chỉ phát hiện được một phần.

“Chúng ta cứ nói nguyên nhân phát sinh tiêu cực do lương thấp, nhưng ngay cả các nước tư bản cũng có những vụ lạm dụng, trục lợi bảo hiểm hàng tỷ USD” – bà Tiến chốt lại.

Với vụ tai biến tiêm vaccine ở Quảng Trị, bà Tiến khẳng định mọi việc khá rõ ràng vì đã có quy định trách nhiệm cụ thể từ Chính phủ, chính quyền địa phương, bệnh viện, cán bộ thực hiện và cả trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm của nhà sản xuất trong quá trình tiêm chủng.

3 cháu bé sơ sinh tử vong ở Quảng Trị được xác định bị sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân nhưng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá là nghiêm trọng vì biểu hiện sốc của các bệnh nhi giống y chang nhau, chứng tỏ vấn đề không phải do cơ địa của trẻ.

“Yếu tố lỗi đã rất rõ ràng và cơ bản nhưng việc này có liên quan đến y đức không thì cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra. Hiện mọi tài liệu, chứng cứ bên công an đã mang đi hết, chúng tôi không nắm được gì nữa” – Bộ trưởng Y tế thanh minh.

Khẳng định 3 cán bộ trực tiếp tiêm phòng cho các bé sơ sinh đều có chứng chỉ đảm bảo, nữ Bộ trưởng cho rằng chưa thể xác định có vi phạm y đức trong trường hợp này. Còn khả năng sốc do vaccine, bà Tiến phân trần, ngay ở những y học phát triển như Hoa Kỳ cũng vẫn có. Tỷ lệ trẻ tử vong dưới 1 tuổi của Việt Nam chỉ kém Singapore, Malaysia, Thái Lan nhưng vẫn tốt hơn Indonesia, Philippine. Bày tỏ lời chia sẻ với nỗi đau của những người mẹ mất con nhưng Bộ trưởng Y tế nêu rõ, có những tỷ lệ rủi ro khó tránh khỏi trong ngành y.

“Đỡ lời” cho Bộ trưởng Y tế, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tỏ ý thông cảm với cái khó của ngành y tế là thiếu tiền, nhân lực không đáp ứng được trong khi việc đào tạo chưa kịp. Những khó khăn về việc quá tải, về sa sút y đức, về giải quyết các vụ việc nghiêm trọng là gánh nặng rất lớn trong khi công tác xã hội hóa chưa giúp chia sẻ đáng kể trách nhiệm của Bộ trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Tiến nghiên cứu các mô hình, cải tiến mạnh mẽ hơn, tăng cường quản lý nhà nước, công tác thanh kiểm tra. “Tôi nhận thấy có sự mất tin tưởng nhưng ngành phải có thông điệp gửi tới xã hội để lấy lại niềm tin. Và điều đó sẽ được cải thiện khi ngành y tế thực sự mạnh mẽ hơn” – bà Mai động viên.

Gợi ý sau chót, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội cho rằng Bộ Y tế phải làm mạnh hơn về y đức. Theo bà Mai, Bộ trưởng Y tế cần phải xuất hiện vì sự xuất hiện của Bộ trưởng sẽ tạo nên sự tin cậy. Chia sẻ những cái khó Bộ trưởng Tiến đã trao đổi nhưng bà Mai vẫn nhắc, là Bộ trưởng thì phải đưa ra thông điệp trách nhiệm.

P.Thảo