1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Y tế: "Có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng"

Thái Anh

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo nội dung này tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Y tế sáng nay, ngày 15/5.

Bộ trưởng Y tế: Có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Bộ Y tế (ảnh: VGP).

Tại cuộc họp, Thủ tướng nghe báo cáo tình hình cập nhật dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở nước ta, bàn các giải pháp cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới, nhất là chuẩn bị cho các kịch bản, tình huống có thể xảy ra, công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm vắc xin cho nhân dân.

Những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm đặc biệt tới công tác phòng chống dịch, liên tục có các chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với ngành y tế và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi kiểm tra trên thực địa công tác phòng chống dịch tại biên giới Tây Nam, TPHCM, động viên các lực lượng y tế, công an, quân đội và các lực lượng khác trên tuyến đầu chống dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, "toàn dân đang trông chờ chúng ta, lực lượng nòng cốt chống dịch", yêu cầu các đại biểu thảo luận tập trung, chất lượng, hiệu quả, có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn để Bộ Y tế và ngành y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ các nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê, từ ngày 27/4 đến nay có tổng số 808 ca nhiễm cộng đồng, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, địa bàn Hà Nội có 198 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 21 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 177, Bắc Giang 122, Đà Nẵng 115, Vĩnh Phúc 79, Hưng Yên 25, Hà Nam 18, Thái Bình 15, Lạng Sơn 14, Hải Dương 7, Hòa Bình 6, Thừa Thiên Huế 5, Nam Định 5, Quảng Nam 3, Quảng Trị 3, Đắk Lắk 3, Điện Biên 3, Phú Thọ 2, Yên Bái, TPHCM, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh mỗi nơi một ca.

Bộ trưởng Y tế: Có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng - 2

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Thủ tướng về diễn biến dịch bệnh trong nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, các ca mắc mới đều đã được cách ly tập trung thông qua truy vết F1 từ trước đó. "Số ca mắc có thể tiếp tục xuất hiện do còn nhiều F1 đang được truy vết, cách ly, lấy mẫu"- ông Long trấn an.

Ngoài ra, Việt Nam có thể tiếp tục ghi nhận các ổ dịch khác trong cộng đồng tại một số địa phương khác, nhất là những nơi tập trung đông người dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, do nguồn lây bệnh chưa rõ hoặc từ nguồn nhập cảnh chưa được phát hiện.

Năng lực xét nghiệm Covid-19 toàn quốc đạt gần 66.000 mẫu mỗi ngày, khi cần thiết có thể tăng công suất gấp 1,5 đến 2 lần; tối đa có thể đạt 290.000 mẫu mỗi ngày; nếu xét nghiệm gộp 10 mẫu có thể đạt 2,9 triệu mẫu mỗi ngày. Từ khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020 đến 13/5, cả nước đã xét nghiệm bằng phương pháp PCR (xét nghiệm tìm virus) được hơn 3 triệu mẫu, tương đương 4 triệu người.

Bộ Y tế đang sử dụng chiến lược xét nghiệm kết hợp giữa các kỹ thuật khác nhau. Các địa phương được yêu cầu đảm bảo công suất xét nghiệm đạt tối thiểu 1.000 mẫu đơn trên một triệu dân mỗi ngày. Mỗi cơ sở khám chữa bệnh từ 300 giường bệnh có một hệ thống xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Đến 13/5, cả nước đã tiêm được 969.700 liều vắc xin Astra Zeneca, đạt tỷ lệ 106% (vắc xin đóng lọ 5,5-6 ml, có thể tiêm tối đa 12 liều - 0,5 ml mỗi liều). Bộ Y tế đang xây dựng đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm phòng vắc xin.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã nỗ lực tiếp cận các nguồn cung vắc xin qua nhiều kênh khác nhau, làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin, tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước, đại sứ Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng số vắc xin mà Việt Nam đã mua, đăng ký khoảng 170 triệu liều, trong đó số lượng đã ký kết, có cam kết khoảng 110 triệu liều, tuy nhiên, chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp vì phụ thuộc vào nhà sản xuất, cung cấp.

Trong nước, Việt Nam hiện có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó 2 vắc xin thử nghiệm lâm sàng, nếu nghiên cứu thành công, dự kiến năm 2022 mới có thể sản xuất, cung ứng. Bộ đã có văn bản gửi Tổ chức Y tế thế giới nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, đặt trung tâm chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.