Bộ trưởng Xây dựng: Trân trọng từng cơ hội “tương tác” với người dân
(Dân trí) - Chia sẻ chuyện gỡ vướng cho người dân qua comment trên báo; “sống lại” 80 giờ cuộc giải cứu 12 công nhân mắc kẹt trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng… Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã dành cho PV Dân trí cuộc trò chuyện đặc biệt trước thời khắc khép lại năm Giáp Ngọ.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: "Làm được dù chỉ một việc cho người dân cũng là rất tốt".
Là một Bộ trưởng được ghi nhận, đánh giá cao bởi việc dốc sức, trực tiếp làm chính sách, xây dựng, hoàn thiện thế chế với mục đích hướng đến phục vụ người dân nhưng có phải lúc nào kết quả của việc này cũng như mong muốn, kỳ vọng của Bộ trưởng?
Đúng là tôi vẫn còn những điều hết sức trăn trở. Những chính sách tập trung xây dựng thời gian qua, chúng tôi hướng tới việc mang lại cơ hội có nhà ở cho người dân, nhất là những người nghèo, người thu nhập thấp mà nếu không có sự hỗ trợ sẽ không thể tự lo được chỗ ở cho bản thân và gia đình. Dù nhiều địa phương đã tích cực thực hiện các chương trình phát triển nhà ở giúp cho hàng chục nghìn người dân cải thiện được chỗ ở, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu cấp thiết về chỗ ở mà chưa được đáp ứng, trong đó có một lượng lớn người thu nhập thấp đô thị và công nhân các khu công nghiệp.
Nói về chính sách phát triển nhà ở xã hội, quá trình làm luật Xây dựng sửa đổi, lãnh đạo Quốc hội đã đánh giá, ghi nhận nhiệt tâm của Bộ trưởng đối với việc nghiên cứu đổi mới thể chế. Nội dung về nhà ở xã hội được đánh giá là một điểm sáng trong luật, mở ra quan điểm khoa học, thực tiễn để gỡ điểm tắc chính sách bấy lâu nay này. Vấn đề với Bộ trưởng bây giờ là áp lực để đưa chính sách vào cuộc sống?
Luật Xây dựng thể hiện quan điểm thống nhất của cả Chính phủ. Tuy nhiên, là cơ quan chủ trì soạn thảo, áp lực với Bộ Xây dựng chúng tôi hẳn là trực diện hơn cả. Làm sao tạo ra hành lang pháp lý để huy động các nguồn lực tham gia, để vừa thể hiện vai trò, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước vừa phát huy sức cạnh tranh của ngành, tức là làm rõ vai trò của nhà nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển, quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội.
Yêu cầu đặt ra với người làm chính sách là phải có quan điểm khoa học, thực tiễn, phải thuyết phục và được mọi người cùng ủng hộ. Nhiệm vụ đó hiện đã hoàn thành, nhưng việc thực hiện chính sách thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết liệt của chính quyền địa phương.
Liên quan đến chính sách huy động người dân làm nhà cho công nhân thuê, xin trở lại câu chuyện thực tế Bộ trưởng đã từng giải quyết qua comment của một người dân tại TPHCM trên báo Dân trí. Người này tỏ ý nghi ngờ là dù chính sách Bộ trưởng đề ra rất đúng đắn nhưng làm sao Bộ trưởng kiểm soát được việc áp dụng, thực thi ở cấp dưới. Lời trách cứ của người dân này gợi cho Bộ trưởng điều gì?
Tôi rất nhớ comment của độc giả tên Trần Thanh ở Thủ Đức – TPHCM đó. Tôi đọc được dòng phản hồi này sau bài báo ghi lại việc tôi trả lời câu hỏi đầy tâm tư của một nữ công nhân thuê trọ lại Đông Anh (Hà Nội) là “Bộ trưởng có hình dung nổi cuộc sống của những người công nhân thuê nhà ở trọ?”. Khi đó, tôi có chia sẻ, không chỉ khi đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Xây dựng mà từ thời còn ở địa phương, tôi đã dành thời gian đi đến nhiều khu nhà trọ để quan sát và rất hiểu cuộc sống đó. Bản thân tôi và gia đình cũng từng trải qua giai đoạn dài ở nhà tập thể được phân chỉ hơn chục m2, chỗ ngủ của cả nhà 4 người là 2 chiếc giường đơn ghép lại.
Chính vì thế, tôi hiểu, quyền có nhà ở là một quyền cơ bản, Hiến định của người dân nhưng nếu chỉ trông vào nguồn lực của nhà nước, như một thời bao cấp chúng ta đã trải qua thì không thể thực hiện được. Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp hiện phần lớn cũng do người dân làm nhưng không đảm bảo chất lượng, không lý gì chúng ta không huy động, khuyến khích nguồn lực này cùng tham gia việc lo nhà ở cho công nhân. Muốn vậy, nhà nước phải hỗ trợ để người dân đầu tư làm nhà cho công nhân thuê với các điều kiện ràng buộc, khống chế.
Quan điểm, chính sách xây dựng thì như vậy nhưng như độc giả của Dân trí phản ánh, muốn đầu tư làm nhà cho công nhân thuê mà vướng từ khâu xin cấp phép xây dựng, quy chuẩn, thiết kế nhà, tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi… Thực sự tôi đã rất buồn và trăn trở với lời trách cứ của độc giả. Tôi yêu cầu liên lạc với bác độc giả này để tìm hiểu vấn đề, kiểm tra lại từ Sở Xây dựng TPHCM, phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức… để phối hợp giải quyết. Tôi cũng động viên và nhận được chia sẻ của người dân này về việc quyết tâm cùng chính quyền xây dựng thành công mô hình mẫu về nhà ở cho công nhân thuê.
Vậy Bộ trưởng nhiều cơ hội tương tác với người dân và có đủ sức căng ra để giải quyết những việc như vậy?
Tôi có nhiều cơ hội “tương tác”, như nhà báo nói, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp với người dân và thực sự trân trọng từng cơ hội như vậy. Cũng một lần, qua phản hồi trên Dân trí, tôi đã yêu cầu liên lạc để giải quyết việc một cựu chiến binh phản ánh gia đình người có công đang phải sống với điều kiện nhà ở tạm bợ, không đảm bảo, trông đợi được hưởng chính sách hỗ trợ. Người cựu chiến binh này trước đây còn công tác tại Tcty Xi măng – một đơn vị trong ngành xây dựng.
Không hi vọng giải quyết được hết tất cả mọi việc người dân phản hồi trên báo chí, nhưng tôi vẫn nhắc anh em, làm được dù chỉ một việc cũng đã là rất tốt, như chuyện của độc giả ở TPHCM, nếu xây dựng được mô hình mẫu người dân đầu tư làm nhà ở cho công nhân sẽ rất hiệu quả.
Trong một chuyến đi kiểm tra mô hình người dân xây nhà cho công nhân thuê, Bộ trưởng từng “chỉnh”cơ quan quản lý địa phương khi yêu cầu chủ nhà thắt chặt kiểm soát, quy định giờ giấc, hạn chế tiếp xúc, bạn bè của người thuê nhà tại các khu nhà trọ này… Bộ trưởng nhấn mạnh, nhà thuê cũng là chỗ ở hợp pháp của người dân. Tư duy đứng về phía người bị điều chỉnh bởi chính sách thay vì để thuận cho cơ quan quản lý như thế khác hẳn thói quen lâu nay trong công tác quản lý. Ông không ngại mếch lòng anh em cán bộ khác?
Nếu chỉ vì sợ mất lòng anh em, “người nhà” mà không nói, không thảo luận, trao đổi thì sao công việc trôi được với yêu cầu, đòi hỏi sống còn về đổi mới hiện nay.
Tôi đã nhấn mạnh nguyên tắc, từ chủ cho thuê nhà tới cơ quan quản lý địa phương không thể tự tiện xô vào kiểm tra, xâm phạm chỗ ở của những người thuê nhà, không được “thắt” quyền cư trú, hạn chế quyền sinh hoạt, giao tiếp của công nhân, biến họ thành những cái máy, hết giờ làm ở xưởng về tới chỗ ở cũng chỉ để ngủ… Không quan tâm đến những chuyện đời sống thường nhật như vậy của công nhân, hệ quả xã hội sau này khó lường mà chính cơ quan quản lý địa phương phải đau đầu trước hết.
Người thuê nhà cần được hưởng đầy đủ những quyền, không chỉ trong giới hạn căn hộ thuê của mình mà phải được đảm bảo cả đời sống tinh thần, nhu cầu giao tiếp, sinh hoạt công bằng như người dân sống tại khu vực đó chứ không thể xem họ chỉ như người ăn nhờ ở đậu, mãi ở địa vị của người ngụ cư…
Tôi tin với sự trao đổi thẳng thắn, thành thực, mọi người sẽ hiểu được thiện ý của mình để cùng phối hợp thực hiện tốt công việc chung.
2014 – thêm một năm dư luận xã hội “giật mình” vì những sự cố xảy ra đối với các công trình xây dựng, nổi lên vẫn là các công trình hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi công trình giao thông. Hẳn cá nhân Bộ trưởng cũng không ít lần đau đầu trên cương vị người quản lý về chất lượng công trình?
Một vài năm trở lại đây dư luận liên tiếp đón nhận thông tin về các sự cố đối với công trình hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi, nhất là với các công trình vừa và nhỏ. Còn nhớ trong lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội sau khi nhận chức Bộ trưởng Xây dựng, tôi cũng bị chất vấn rất găng vì thuỷ điện Sông Tranh 2. Giờ nghe nói đến từ “thuỷ điện”, đôi lúc tôi cũng… giật mình (cười).
Với sự cố nghiêm trọng nhất trong năm – vụ sập hầm dẫn nước thuỷ điện Đạ Dâng ở Lâm Đồng, thời điểm này có thể bình tĩnh nhìn lại, Bộ trưởng đã trải qua 4 ngày trước khi 12 công nhân bị mắc kẹt được giải cứu thành công như thế nào?
Khi nghe thông tin về sự cố ở Đạ Dâng khi vừa bắt đầu một cuộc họp buổi sáng ở ngoài Hà Nội, tôi rất lo lắng.
Một đêm chờ đợi để đáp chuyến bay sớm nhất vào Lâm Đồng vào sáng sớm hôm sau với tôi thực sự là một đêm quá dài, chỉ nhẹ lòng được đôi chút khi trong đêm có thông tin về dấu hiệu sống của nhóm công nhân trong hầm. Rồi trực tiếp đến hiện trường cùng Bộ trưởng Công thương, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng… đứng trước hầm, nỗi lo lại dâng lên với chúng tôi.
Tôi đã thấy những gương mặt thất thần, những đôi mắt sưng mọng không còn đủ sức khóc của thân nhân các công nhân bị nạn… Đó là những hình ảnh ám ảnh không thể quên.
Các lãnh đạo địa phương, từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến các sở ngành liên quan cùng bộ phận cứu hộ đã rất chủ động, nỗ lực hết sức mình với công tác cứu hộ, túc trực liên tục từng giờ trước cửa hầm cứu hộ, động viên kịp thời những công nhân bị nạn để anh em kiên nhẫn chiến đấu cùng lực lược cứu hộ…
Hơn 4h chiều 19/12/2014, tất cả như vỡ oà, cuộc giải cứu 12 công nhân đã thành công…Tôi hiểu, mọi người đều trải qua 80 giờ căng thẳng, nặng nề như thế nào.
Sự cố, rất may mắn không gây thiệt hại về người, với kết thúc có hậu như vậy. Các sự cố thì vẫn xảy ra và rõ ràng không thể trông đợi vào may mắn và cũng không ai có thể gặp may mãi, thưa Bộ trưởng?
Chính vì thế, sau sự cố, một lần nữa Bộ Xây dựng đốc thúc rà soát các công trình hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng chủ động đề nghị để Bộ chủ trì công tác giám định nguyên nhân sự cố tại Đạ Dâng, sẽ làm nghiêm túc, đi đến tận cùng vấn đề…
Trong năm, ngành Xây dựng cũng đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động đầu tư xây dựng. Năm nay, luật Xây dựng (sửa đổi) có hiệu lực với hàng loạt các quy định mới, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng… Những quy định này chắc chắn sẽ góp phần góp phần tích cực giúp nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng một năm mới thành công, hạnh phúc!
P.Thảo (thực hiện)