1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Xây dựng: “Không an lòng nhìn người có công ở nhà tường nứt”

(Dân trí) - Bị thành viên đoàn giám sát chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công “truy” về số lượng đối tượng hưởng chính sách tăng vọt, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ day dứt khi thăm nhà một lão thành cách mạng mà tường đã nứt, căn nhà quá đơn sơ…

Chiều 4/8, đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH 13, về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.

Kế hoạch hơn 2.000 tỷ đồng, thực tế cần 10.000 tỷ đồng

Đánh giá cao thái độ nghiêm túc, tinh thần nỗ lực của Bộ Xây dựng đối với việc thực hiện chính sách, thể hiện qua báo cáo công tác, Trưởng đoàn giám sát chỉ “chưa yên tâm” về những con số chênh giữa kế hoạch và thực tế triển khai.

Cụ thể, theo các địa phương báo cáo lên năm 2012, đoàn giám sát ghi nhận nhiệm vụ hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 71.000 hộ gia đình người có công Chính phủ cần thực hiện, với nguồn vốn được duyệt là hơn 2.400 tỷ đồng.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Không để một người có công nào phải ở nhà không đảm bảo.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Không để một người có công nào phải ở nhà không đảm bảo".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, qua thống kê, Bộ Xây dựng nhận thấy, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương đã báo cáo lại tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng mà các địa phương báo cáo năm 2012. Một số địa phương có số lượng thống kê tăng nhiều như Hòa Bình tăng hơn 45 lần, Nghệ An tăng hơn 13 lần, Thanh Hóa tăng hơn 17 lần, tỉnh Phú Thọ tăng hơn 8 lần, TP Hà Nội tăng 17 lần…

Tổng số hộ gia đình người có công cần hỗ trợ nhà ở theo đó vọt lên đến 330.000 căn nhà, số tiền cần huy động theo đó cũng tăng gấp 5, lên mức trên 10.000 tỷ đồng.

Do đó, Bộ trưởng Xây dựng đề nghị kéo dài việc thực hiện chính sách thêm 4 năm (từ 2015 đến 2018). Mỗi năm Chính phủ phải lo khoảng 2.000 tỷ đồng cho chương trình này.

Người đứng đầu ngành Xây dựng cũng “đau đầu” với con số này vì cùng với chính sách hỗ trợ người dân miền Trung làm nhà chống lũ, hỗ trợ người dân vùng đồng bằng duyên hải ven biển làm nhà tránh bão… thì số tiền đầu tư cho chương trình nhà ở của quốc gia không hề nhỏ. Thêm nữa, chính sách chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng lại cần xác định lâu dài, không thể làm một sớm một chiều, làm một lần là xong.

“Trách nhiệm lo nhà ở đối với người có công trước hết là của nhà nước. Nguyên tắc chúng tôi quán triệt là không để một người có công nào phải ở nhà không đảm bảo chất lượng. Việc này đòi hỏi các cấp, ngành phải cùng quyết liệu để rà soát, không để bỏ sót, không để người nào chịu thiệt thòi nhưng cũng không được để chính sách bị lợi dụng”- Bộ trưởng Xây dựng nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên khái quát, thực tế triển khai chính sách với người có công thường “vấp” cảnh phát sinh lớn so với kê khai như vậy. Nhưng ngân sách nhà nước hiện rất khó khăn. Ông Tiên đặt câu hỏi, Bộ Xây dựng tính sao với số tiền “đội” lên lớn như vậy?

Ông Tiên cũng gợi ý, nhiều địa phương trước khi có chính sách hỗ trợ chính thức của nhà nước này đã có nhiều cách làm tốt như thay vì làm nhà thì cấp đất cho các gia đình người có công, thường là ưu tiên đất mặt đường để đối tượng thuận lợi trong việc sinh sống, làm ăn để vươn lên, tự lo được cuộc sống, điều kiện sinh hoạt. Theo Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội, cơ quan triển khai chính sách nên tính thêm các nguồn lực khác để đảm bảo cho chương trình, không phải quá dựa vào ngân sách.

Một Phó Chủ nhiệm khác của UB Các vấn đề xã hội – bà Nguyễn Thuý Anh - đặt vấn đề, có độ vênh về đối tượng giữa Nghị quyết 494 của UB Thường vụ QH với Quyết định 22 của Chính phủ khiến diện các gia đình được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo đó mở ra quá rộng, nhà nước không kham nổi?

Không để người có công ở nhà kém chất lượng

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng chia sẻ câu chuyện thực tế đã chứng kiến trong những chuyến đi kiểm tra việc thực hiện chính sách, có những lão thành cách mạng nay đã ngoài 80 tuổi vẫn đang ở trong những căn nhà rất đơn sơ. Nhà cấp 4, tường đơn, mái ngói mái tôn. Dù nhà vẫn đang sử dụng được, tường không đổ nhưng đã nứt dài, loang lổ.

“Về tình cảm, nhà những người có công mà khi đến thăm nhìn cảnh tường nứt, nhà có thể không an toàn thì không thể an lòng được”  - ông Dũng nhận định, con số đối tượng tăng so với kê khai, báo cáo là có cơ sở nhưng không phải nơi nào báo con số tăng cũng đều là đúng cả. Người đứng đầu ngành Xây dựng đề nghị đoàn giám sát yêu cầu các địa phương rà soát lại, giao Bộ LĐ,TB&XH giám sát, kiểm tra xác suất.

Một trong số 700 căn nhà chống lũ được thí điểm thành công tại Phú Yên vừa qua.

Một trong số 700 căn nhà chống lũ được thí điểm thành công tại Phú Yên vừa qua.

Ông Dũng nhắc lại quan điểm, còn một người có công chưa được ở trong căn nhà đảm bảo chất lượng, an toàn, nhà nước cũng phải lo. Vậy nên không thể quan niệm ít hay nhiều người để triển khai chính sách mà đã là người có công, đang có điều kiện sống không đảm bảo thì cần có sự hỗ trợ để cải thiện nhà ở. Tuy nhiên, do nguồn lực nhà nước không phải vô hạn nên việc thực hiện cần theo thứ tự ưu tiên.

Bộ trưởng Xây dựng nêu lộ trình trong năm 2014-2015 phải hoàn thành chương trình hỗ trợ với hơn 71.000 hộ theo Quyết định 22 của Chinh phủ. Tiếp đó sẽ lo cân đối với số lượng 230.000 hộ tiếp theo trong thời gian 4 năm cho đến 2018. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng quả quyết, chỉ cần mỗi năm cắt được một công trình, một dự án không hợp lý là có tiền lo được cho việc này.

Tỏ ra hài lòng vì Bộ Xây dựng triển khai bài bản, có kinh nghiệm đối với việc thực hiện chính sách sau khi làm thành công chương trình 167 (hỗ trợ 5000.000 hộ nghèo về chỗ ở - đã hoàn thành trước thời hạn, đạt hiệu quả cao), Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá, Bộ đã đi rất nhanh, giải quyết gọn nhiệm vụ được giao.

Phân giải việc mở rộng hay không diện đối tượng thụ hưởng chính sách, bà Mai lưu ý, tiêu chí ưu tiên giải quyết là tình trạng nhà ở không đảm bảo chứ không phải bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sỹ hay gia đình thương binh… được hưởng trước.

Về hướng giải quyết con số phát sinh, bên cạnh cách kéo dài chương trình đến 2018 như Bộ Xây dựng đề xuất, bà Mai gợi ý cách hoàn thành nốt nhóm 71.000 căn nhà như chương trình đặt ra trong Nghị quyết 494 của UB Thường vụ Quốc hội. Phần sau đó sẽ chuyển sang nội dung chi thường xuyên, tính cùng với chính sách đãi ngộ người có công, không tách riêng thành chương trình hỗ trợ nhà ở. Như vậy, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là tính mỗi năm có bao nhiêu căn nhà phải làm, chi phí được duyệt sẽ chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH triển khai.

Bà Mai cũng hứa “thúc” Bộ Tài chính cấp bổ sung kinh phí năm 2014 (khoảng 800 tỷ đồng) để triển khai cơ bản chương trình trong năm nay.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với hướng triển khai này, chỉ thay đổi cách làm mà không thay đổi mục tiêu. Chính sách theo đó cũng không chỉ kéo dài đến 2018 mà tiếp nối để những người có công khi nào còn đang sinh sống thì còn được hỗ trợ để có chỗ ở đảm bảo.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm