1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bộ trưởng Tư pháp chưa đề cập hết phần trách nhiệm”

(Dân trí) - “Phần trả lời của Bộ trưởng rõ ràng, câu hỏi của đại biểu sâu và hóc búa nhưng Bộ trưởng không né tránh, trả lời thật nhưng phần trách nhiệm vẫn chưa được đề cập hết”, đại biểu Bùi Thị An nhận xét về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Bộ Tư pháp phải giám sát được để luật đi vào cuộc sống

Đại biểu Trần Ngọc Vinh. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh. (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ trưởng Hà Hùng Cường là 1 trong những Bộ trưởng trả lời hết những câu hỏi của đại biểu Quốc hội và trả lời sâu sắc. Có những câu về nhân sự Bộ trưởng cũng không né tránh, trả lời thẳng thắn và rất ít đại biểu đặt lại câu hỏi, cho thấy câu trả lời của Bộ trưởng đã thỏa đáng.

Tất nhiên về xây dựng văn bản pháp luật có nhiều vấn đề khó, không chỉ riêng của Bộ Tư pháp, như việc Bộ Tư pháp chưa kiểm soát được việc ban hành các thông tư hướng dẫn luật mà việc thực hiện pháp luật chủ yếu là theo thông tư. Nếu thông tư ban hành sai sẽ làm sai, ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực thi pháp luật nên về lâu dài, Bộ Tư pháp phải giám được để luật đi vào cuộc sống.

Chương trình xây dựng và thẩm định các dự án pháp luật ngày càng được nâng cao. Tôi thấy Bộ trưởng đưa ra những giải pháp thực tế nhưng thực hiện được thì cần sự đồng bộ trong hệ thống chính trị. Nếu thực hiện được sẽ khắc phục được các hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật mà đại biểu Quốc hội đã nêu.
 
“Bộ trưởng Tư pháp chưa đề cập hết phần trách nhiệm”

Phần trả lời của Bộ trưởng Hà Hùng Cường được nhiều đại biểu đánh giá thỏa đáng (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình): Nợ đọng văn bản pháp luật là vấn đề nhạy cảm

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã trả lời rất rõ ràng và đầy đủ những ý kiến đại biểu nêu, đi vào cụ thể từng lĩnh vực vấn đề, giải quyết cặn kẽ từng câu hỏi, đi sâu vào những lĩnh vực đại biểu quan tâm. Qua phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã giải thích, vừa làm rõ những vấn đề mà đại biểu cũng như nhân dân cả nước quan tâm trong vấn đề triển khai văn bản pháp luật của Quốc hội và các ngành.

Tuy nhiên, cũng có 1 số điểm đại biểu chưa đồng tình. Đây cũng là tất yếu vì Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật nhưng công tác này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên có những ngành, lĩnh vực do khó khăn của một số văn bản như trường hợp hướng dẫn về tuổi của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cũng phải nhìn nhận rằng, khó khăn đó do yếu tố khách quan các Bộ, ngành không hoàn thành nhiệm vụ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản như các đại biểu đã nêu.

Bộ trưởng đã hứa khắc phục nhưng đây là vấn đề nhạy cảm, khó nên thời gian tới chỉ có thể hạn chế chứ để khắc phục triệt để thì cần nhiều thời gian hơn. Trong điều kiện hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện nên tính triệt để và dứt điểm thì cần có thời gian.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên): Bộ trưởng chưa thẳng thắn về trách nhiệm trong việc ban hành hay nợ văn bản

Đại biểu Nguyễn Thái Học. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Nguyễn Thái Học. (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ Tư pháp có báo cáo trong 6 tháng (10/2013 - 4/2014) kiểm tra 368 văn bản, phát hiện 79 văn bản có dấu hiệu vi phạm ở nhiều nội dung khác nhau, cho thấy sự cụ thể hóa luật của các Bộ, ngành cần xem xét lại.

Nếu cụ thể hóa luật mà sai, không đúng Hiến pháp và pháp luật, thì tính pháp chế, thượng tôn pháp luật trong ban hành văn bản không bảo đảm. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng đến việc thực thi pháp luật của cá nhân, tổ chức vì các văn bản dưới luật là để cụ thể hóa luật nên nếu ban hành sai thì khi được áp dụng kiểu gì cũng vi phạm pháp luật.

Thực ra, một trong những biện pháp để khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản là phải xác định được trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ, ngành và chế tài xử lý. Theo Chủ tịch Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp chưa thẳng thắn nêu vấn đề này và thời gian tới, Bộ trưởng có nói phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để siết chặt vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu là đối với Bộ, ngành nào để tồn đọng văn bản kéo dài phải xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành nhưng không phải xem xét trách nhiệm là chỉ kiểm điểm, không khen thưởng, xét danh hiệu thi đua. Hàng năm khi đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng, trưởng ngành phải gắn với việc Bộ, ngành có nợ đọng văn bản không và nếu nợ thì Bộ trưởng, trưởng ngành không thể được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bộ Tư pháp phải tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này, vì nếu không làm thì Bộ làm không tốt cũng giống Bộ làm tốt, Bộ nợ văn bản cũng giống Bộ không nợ. Bộ trưởng đã có câu trả lời rõ ràng, cụ thể các câu hỏi của đại biểu, tuy nhiên Bộ trưởng còn chưa thẳng thắn về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc ban hành hay nợ văn bản.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Bộ trưởng chưa đề cập hết phần trách nhiệm

Đại biểu Bùi Thị An. (Ảnh: Việt Hưng)

Đại biểu Bùi Thị An. (Ảnh: Việt Hưng)

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ trưởng Tư pháp rõ ràng, câu hỏi của đại biểu sâu và hóc búa nhưng Bộ trưởng không né tránh, trả lời thật nhưng trong phần trách nhiệm thì vẫn có vấn đề chưa được đề cập hết. Bộ trưởng cũng cung cấp các số liệu cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để hy vọng tới đây giải quyết được vấn đề, dù không thể hết ngay nhưng việc có thể giảm được nhiều văn bản trái pháp luật.

Qua con số của Bộ Tư pháp về văn bản nợ đọng cho thấy, công tác kiểm tra, giám sát của Bộ Tư pháp chặt hơn, nhất là công tác hậu kiểm văn bản quy phạm pháp luật tiến bộ nhiều cho thấy, Bộ đã nhận ra những hạn chế, tồn tại để khắc phục. Tôi tin từ nay đến kỳ họp Quốc hội thứ 8 sẽ có nhiều chuyển biến rất rõ và khi đất nước có nền pháp luật chuẩn thì việc điều hành sẽ tốt hơn nhiều.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM): Một mình Bộ Tư pháp không thể làm được

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Việt Hưng)
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Việt Hưng)
 
Bộ trưởng nắm bắt được vấn đề và trả lời thẳng thắn, nhìn nhận khuyết điểm và hứa khắc phục. Thời điểm này, Hiến pháp mới ban hành còn việc hệ thống pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo thống nhất là vấn đề lâu dài chứ không thể làm được ngay. Tình hình thực tiễn rất sinh động, đòi hỏi hệ thống pháp luật phải không ngừng chuyển động để đáp ứng.

Trước thực trạng về công tác xây dựng pháp luật, tôi nghĩ là vấn đề là con người. Bộ trưởng cũng đã đưa ra giải pháp và Quốc hội có nghị quyết tổng kết để Quốc hội nhiệm kỳ sau tiếp tục, chứ một mình Bộ Tư pháp không thể làm được.

Nguyễn Hiền (ghi)
Ảnh: Việt Hưng