1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nói về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng

(Dân trí) - Bản tham luận “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng” do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình bày đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của toàn thể đại biểu trong hội trường. Bộ trưởng Tuyển đã nói vo suốt toàn bộ thời gian phát biểu của mình.

Tham luận của Bộ trưởng nói rằng việc cần phải làm trước hết là minh định rõ nội dung sự lãnh đạo của Đảng, từ đó mới bàn đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo như thế nào.  

 

Cấp uỷ đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền

 

Bắt đầu bản tham luận, ông khẳng định: “Trong báo cáo chính trị có nói về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nếu nói đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là mới nói đổi mới cách lãnh đạo và tổ chức thực hiện chứ chưa phải là đổi mới sự lãnh đạo. Thực tế cuộc sống và những thiếu sót trong hệ thống cũng như trong hoạt động của hệ thống chính trị đòi hỏi phải minh định lại nội dung lãnh đạo của Đảng”.

 

“Chúng ta đang rơi vào tình trạng cấp uỷ Đảng can thiệp quá sâu vào hoạt động của chính quyền và các tổ chức trong hệ thống xã hội. Điều ấy không chỉ làm mất vai trò chủ động, tính sáng tạo và tinh thần tự chịu trách nhiệm của bản thân các tổ chức mà còn làm cho các cấp uỷ Đảng không có đủ thời gian để suy nghĩ, chỉ đạo các vấn đề cốt tử của đất nước. Điều này cũng dẫn đến một tình trạng rất không hay là nếu như sự việc diễn ra một cách “thuận buồn xuôi gió” thì thành tích thuộc về sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, còn khuyết điểm thì không ai chịu trách nhiệm vì tất cả đã được thông qua cấp uỷ”, Bộ trưởng Tuyển khẳng định.

 

Dân chủ và vai trò của nhân dân

 

Khi chúng ta nói cách mạng là sự nghiệp của quần chúng thì không chỉ quan niệm rằng nhân dân làm theo sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân thực hiện sự lãnh đạo của Đảng mà chúng ta phải đặt nhân dân vào vị trí chủ thể của sự nghiệp cách mạng, nhân dân phải là người đưa ra sáng kiến lãnh đạo và logic là phải phát triển dân chủ cho nhân dân.

 

Chúng ta vẫn thường nói, dân chủ không chỉ là động lực, dân chủ còn là mục tiêu. Phát huy dân chủ sẽ phát huy được sáng kiến của mọi cá nhân, sẽ làm xã hội chúng ta trở nên năng động hơn. Chúng ta đều biết những sáng kiến trước ngày đổi mới đều xuất phát từ từng cá nhân. Cá nhân ấy có thể là một bác nông dân, cá nhân ấy có thể là một đồng chí cán bộ địa phương.

 

Không phải ngẫu nhiên mà bác Hồ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lại trích dẫn tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và tuyên ngôn dân quyền của Pháp. Trong đó độc lập dân tộc và dân chủ là khát vọng của loài người, có thể nói, đây là giá trị phổ biến của nhân loại, cũng có thể mạnh dạn nói rằng, đây là giá trị có ý nghĩa toàn nhân loại.

 

Nội dung và Phương thức lãnh đạo

 

Về mối quan hệ giữa nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo. Đây là mối quan hệ trong cặp phạm trù NỘI DUNG- HÌNH THỨC, làm thế nào để có được hình thức tốt nếu không minh định được nội dung?

 

Ở đây cần làm rõ mối quan hệ giữa dân chủ và tập trung. Tập trung không có vị thế bằng dân chủ, tập trung chỉ là nguyên tắc giải quyết các ý kiến khác nhau trong một xã hội dân chủ để đảm bảo dân chủ cho đa số. Vị thế của hai cụm từ DÂN CHỦ và TẬP TRUNG là khác nhau.

 

Khuôn mẫu trên ban xuống khác với lý tưởng dân chủ

 

Lê Nin có nói một câu mà chúng ta rất đáng suy nghĩ : “Sự rập khuôn cứng nhắc và ý định gò theo khuôn mẫu từ trên ban xuống không dính dáng gì đến  nguyên tắc tập trung dân chủ và chủ nghĩa xã hội cả". Lê nin rất quan tâm đến dân chủ, tôn trọng sáng kiến của địa phương, tôn trọng tính đa dạng, phong phú của hoạt động thực tiễn và phê phán lối gò ép, khuôn mẫu từ trên ban xuống.

 

Theo chúng tôi, cần phải dành nhiều thời gian để hoàn thiện thiết chế dân chủ, chúng ta đã làm được một số việc theo hướng này nhưng chưa phải là ý thức thường trực. Phải biết xây dựng xã hội dân chủ thành lý tưởng của Đảng. Chúng ta nói lý tưởng cộng sản là còn xa xôi lắm, nhưng lý tưởng dân chủ thì có thể thành nội dung trong xã hội của chúng ta.

 

Đảng phải biết thích ứng với sự lãnh đạo của xã hội dân chủ, Đảng phải tích luỹ kinh nghiệm cho mình trong việc lãnh đạo một xã hội dân chủ, làm được như thế thì bản lĩnh của Đảng sẽ được nâng cao.

 

Một số điểm quan trọng Đảng cần minh định 

 

Có xã hội pháp quyền mới đảm bảo xã hội công bằng và văn minh, không có xã hội pháp quyền, không có nhà nước pháp quyền thì không thể có xã hội công bằng và văn minh. Ngay từ năm 1919 Bác Hồ từng nói “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Bác coi pháp quyền là thần linh để quản lý xã hội.

 

Đảng lãnh đạo để đảm bảo định hướng phát triển và xác định các ngôi quan hệ lớn nhằm đảm bảo định hướng đó. Đảng không can thiệp vào công việc cụ thể, vào các dự án cụ thể.

Đảng phải xây dựng nhà nước pháp quyền để quản lý xã hội. Những việc cụ thể khác phải để các cơ quan nhà nước, tổ  chức chính trị xã hội chủ động làm và tự chịu trách nhiệm. Đảng chỉ kiểm tra và giám sát, có như vậy  từ đó chúng ta mới định được phương thức lãnh đạo thế nào, nội dung có rõ thì lãnh đạo mới đúng, tổ chức lãnh đạo mới khoa học.

 

Lâu nay chúng ta lùng  nhùng, chồng chéo, nói mãi mà không sửa chính là chúng ta chưa ấn đúng nút cần phải ấn, chúng ta làm thiếu sự biện chứng, chưa xem xét phạm trù giữa hình thức và nội dung.

 

Đức Hoà (ghi)