Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Cần tạo "ngân hàng cán bộ" như mô hình của Nhật Bản
(Dân trí) - Ông Trần Hồng Hà cho rằng cần có tiêu chí cán bộ, tạo "ngân hàng cán bộ" như mô hình của Nhật Bản; các địa phương thiếu cán bộ có thể truy cập dữ liệu "ngân hàng cán bộ" để tuyển dụng…
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hôm qua (30/11), đoàn công tác số 5 của Ban chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế do bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn - đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý biên chế giai đoạn 2016-2021 và đề xuất biên chế giai đoạn 2022-2026 của Bộ này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2015 Bộ được giao 1.268 biên chế công chức và 4.867 biên chế sự nghiệp; đến năm 2021 được giao 1.140 biên chế công chức và 2.386 biên chế làm việc trong đơn vị sự nghiệp.
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2021, Bộ Nội vụ đã thực hiện cắt giảm biên chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo tỷ lệ chung với số giảm biên chế được giao cụ thể 128 biên chế công chức, tương đương với tỷ lệ cắt giảm là 10,09% so với số được giao năm 2015; biên chế số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp đã cắt giảm 3.632 biên chế; giảm số lượng người làm việc hưởng lương ngân sách Nhà nước là 2.731.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định với 597 công chức, viên chức, người lao động.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát kiện toàn cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn. Sau khi kiện toàn đã giảm một tổ chức hành chính trực thuộc Bộ và 73 tổ chức phòng, chi cục thuộc Bộ so với năm 2015; tổ chức lại 3 Cục trực thuộc Tổng cục Môi trường thành mô hình Vụ; sáp nhập, giải thể 6 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tổng cục và 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Cục trực thuộc Bộ.
Sáp nhập, giải thể 113 tổ chức phòng, đoàn, trung tâm thuộc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Cục, trường, viện, trung tâm trực thuộc Bộ; giảm 92 cấp phó từ cấp phòng trở lên tại các tổ chức hành chính.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm làm cơ sở đổi mới nâng cao chất lượng công tác quản lý biên chế…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các nội dung trao đổi với đoàn giám sát có nghĩa hết sức quan trọng với Bộ này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Tuy nhiên, về danh mục vị trí việc làm hiện chưa có khung, tiêu chí hướng dẫn cụ thể do đó cần nghiên cứu ban hành khung để đảm bảo sự thống nhất triển khai ở các Bộ, ngành địa phương cho đồng bộ.
Đáng chú ý, ông Hà cho rằng cần có tiêu chí cán bộ, tạo "ngân hàng cán bộ" như mô hình của Nhật Bản để tổ chức thi cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương thiếu cán bộ có thể truy cập dữ liệu ngân hàng cán bộ để tuyển dụng…
Cơ cấu tổ chức Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thay đổi ra sao?
Như Dân trí đã phản ánh, trong hồ sơ Đề án rà soát, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất tổ chức lại 3 Tổng cục.
Cụ thể, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ được tách thành 2 Cục trực thuộc Bộ: Cục Điều tra, Quy hoạch biển, hải đảo và Cục Quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam được tổ chức lại thành 2 Cục: Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản.
Tổng cục Môi trường được đề xuất tổ chức lại thành 4 Cục gồm: Cục Bảo vệ môi trường, Cục Quản lý chất lượng môi trường, Cục Quy hoạch và Đánh giá tác động môi trường, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học.
Tổng cục Quản lý Đất đai và Tổng cục Khí tượng thủy văn được Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Chính phủ giữ nguyên như hiện tại. Đồng thời tiếp tục duy trì Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và 5 Vụ tham mưu tổng hợp trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ).
Giải thể Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền (thành lập từ năm 2006). Các chức năng, nhiệm vụ của Vụ này sẽ được tổ chức lại như sau: Công tác thi đua, khen thưởng chuyển sang Vụ Tổ chức cán bộ; công tác quản lý về tuyên truyền chuyển sang Văn phòng Bộ đảm nhiệm.