Bộ trưởng TN-MT: Tôi cũng bức xúc vì 3 ngày phải ăn “nước bẩn” sông Đà!
(Dân trí) - Bên hành lang Quốc hội chiều 22/10, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà chia sẻ với những bức xúc của người dân trong “cuộc khủng hoảng” nước sạch sông Đà bởi chính ông và gia đình cũng phải sử dụng nguồn nước đó, “mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết”…
- Vừa qua, Bộ TN-MT cũng như các chuyên gia đã không ít lần cảnh báo về nguy cơ mất an ninh nguồn nước nhưng thực tế các vụ việc vi phạm vẫn liên tiếp xảy ra, gần nhất chính là vụ đổ dầu thải đầu độc nguồn nước sạch sông Đà?
- Sự cố này có thể nói là rất hi hữu, mang chất thải độc hại đổ ra môi trường mà môi trường cụ thể ở đây còn là nguồn nước, tính chất vi phạm là hết sức nghiêm trọng.
Còn nói rộng đến an ninh nguồn nước nghĩa là phải kiểm soát số lượng, chất lượng nước đối với nhu cầu sử dụng nước cho nông nghiệp, công nghiệp, đời sống của người dân, mình phải cân đối được. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn nước đã thành xu thế của tương lai, biểu hiện đã rất rõ thì đánh giá trữ lượng, kiểm soát nguồn nước thượng nguồn càng quan trọng.
- Bộ trưởng nói đến vấn đề bảo vệ nguồn nước nhưng vụ việc đổ dầu thải ở Hòa Bình gây ra cuộc khủng hoảng nước sinh hoạt tại Hà Nội này thực sự là điển hình cho việc các công cụ bảo vệ nguồn nước dường như vô liệu lực?
- Đúng như vậy. Ở đây, chúng ta cần xem lại cả 2 khía cạnh. Thứ nhất là nhà nước có thiếu chủ động trong việc ban hành chính sách pháp luât, quy phạm để đảm bảo an ninh nguồn nước không? Sau nữa, nếu pháp luật đủ mạnh thì trách nhiệm tiếp theo là thực thi chính sách pháp luật thế nào?
Hiện nay, có sự chuyển vai trò từ chỗ nhà nước đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch, nay dịch vụ này được đưa sang tư nhân, ở đây là công ty cổ phần. Việc này có những mặt được nhưng phần hạn chế cần đánh giá là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý địa phương trong vấn đề bảo vệ an toàn nguồn nước, rõ ràng có vấn đề. Chưa có quy định nào rõ ràng để dù là tư nhân nhưng đơn vị cung cấp nước cũng phải có trách nhiệm cùng nhà nước thực hiện trách nhiệm đảm bảo kiểm soát an toàn, an ninh nguồn nước.
Vụ việc này là một cảnh báo đỏ với việc bảo vệ an ninh nguồn nước, nhất là nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt cho người dân.
- Dư luận bức xúc với giả thiết, trong trường hợp này, nếu người đổ trộm chất thải không phải là dầu mà là loại chất độc hại hơn nữa thì vẫn là phần lớn người tiêu dùng lĩnh hậu quả?
- Việc đó hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ta đã để tình trạng quản lý lỏng lẻo như thế này, bên cung cấp nước kém ý thức như vậy thì rõ ràng có nhiều kịch bản có thể xảy ra mà chúng ta không thể loại trừ kịch bản nào cả.
Từ vụ này rõ ràng có thể thấy vấn đề kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn.
- Về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho phần lớn dân cư Hà Nội, hiện những người dân đã phải dùng nước bẩn thì rất bức xúc, yêu cầu có câu trả lời cụ thể cho việc này?
- Phản ứng của người dân, suy nghĩ của người dân nói chung cũng là suy nghĩ của tôi. Tôi cũng ăn nước ấy. Gia đình tôi cũng mất 3 ngày ăn uống nguồn nước nhiễm dầu đó mà không hay biết.
Rõ ràng không phải bàn gì nhiều về tính chất hành vi trong trường hợp này. Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã không đưa ra những giải pháp đúng đắn và kịp thời với sự cố. Họ đã không nghĩ đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, không lường hết những hệ quả, tác hại gây ra. Thậm chí, phải dùng từ hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết ở đây.
- Vậy chế tài với những người làm sai trong sự việc này là gì khi mà đến thời điểm này, bên cung cấp nước thậm chí đến lời xin lỗi cũng từ chối?
- Việc này cứ để các cơ quan thi hành pháp luật thực hiện, chúng ta có đầy đủ quy định pháp luật để xử lý họ. Về mặt dân sự, người sử dụng nước có thể kiện đơn vị cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, căn cứ trên hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Còn về mặt pháp luật, những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bẩn, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, ở đây là trong lĩnh vực cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người tiêu dùng, biết là nước đã ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng vẫn cung cấp thì pháp luật hình sự cũng quy định cụ thể chế tài xử lý. Cung cấp thuốc giả thì đi tù, vậy nước bẩn cũng có thể đi tù chứ sao. Các cơ quan pháp luật kết luận thì sẽ xử lý theo từng bước.
Còn trước hết, đến lúc này, với những người đổ dầu thải vào nguồn nước thì theo pháp luật, đây chính là những người phải xử lý thực sự nghiêm khắc.
Phương Thảo