1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông: Gọi điện gỡ bài chưa phải là lợi ích nhóm

(Dân trí) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nhận định, những hiện tượng báo chí khó khăn trong tiếp cận nguồn tin hay chuyện nhắn tin, gọi điện gỡ bài... chưa phải là dấu hiệu khẳng định có lợi ích nhóm trong cơ quan truyền thông.

Gửi chất vấn đến Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề cập tình trạng: Trong khi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện rất tốt trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì một số Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị lại không thực hiện nghiêm túc. Một số thông tin không thuộc bí mật nhà nước nhưng báo chí rất khó khăn khi tiếp cận. Có hiện tượng nhắn tin, gọi điện can thiệp để gỡ bài dù bài viết đó phản ánh tiêu cực không sai; rồi phóng viên, nhà báo bị cản trở, hành hung khi tác nghiệp. Đại biểu muốn Bộ trưởng nêu quan điểm và trách nhiệm của mình về vấn đề này.

Nữ đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn, hiện tượng này có được xem là xuất hiện nhóm lợi ích trong chính hệ thống cơ quan thông tin, truyền thông hay không? Bộ trưởng và Bộ Thông tin Truyền thông đã có những động thái nào để bảo vệ người làm báo chân chính, các cơ quan báo chí do Bộ quản lý? Bộ tham mưu gì cho Chính phủ xử lý các cơ quan, đơn vị vi phạm chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin?

Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Ngày 27/4, cổng thông tin điện tử Quốc hội đăng tải nội dung trả lời vấn đề trên của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dẫn Luật Báo chí năm 2016 khẳng định quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.

Theo đó, chỉ trong một số trường hợp nhất định cơ quan, tổ chức, cá nhân mới được quyền từ chối cũng cấp thông tin cho báo chí (như trường hợp bảo vệ bí mật quốc gia, thông tin về các vụ án đang trong quá trình điều tra...).

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nhiều năm qua, Chính phủ rất nỗ lực chỉ đạo thực hiện minh bạch thông tin tới người dân thông qua báo chí. Mới đây nhất, Bộ Thông tin - Truyền thông đã soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09 năm 2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

Mặt khác, Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan báo chí. Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 Luật Báo chí là: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”.

Người trả lời chất vấn nhận định, trong một số trường hợp, thông tin đăng tải trên báo chí cần được định hướng nhằm phù hợp với lợi ích của đất nước và của người dân. Chẳng hạn như, có thời điểm, báo chí thông tin liên tiếp, miêu tả tỉ mỉ về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trẻ em đã bị một số tổ chức bên ngoài lợi dụng kích động, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; báo chí phản ánh về hoạt động liên quan đến ngân hàng, tiền tệ nhưng không đầy đủ, rõ ràng dễ tác động tâm lý người gửi tiền, làm ảnh hưởng thị trường tài chính, tiền tệ; một số bài viết có thông tin nhạy cảm chính trị...

Các cơ quan báo chí sau khi đăng tải thông tin, nếu phát hiện sai sót, sai phạm về nội dung thông tin, chủ động chỉnh sửa, gỡ bỏ bài viết và thực hiện cải chính, xin lỗi theo quy định.

Lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông giao ban báo chí vào thứ Ba hằng tuần, Bộ thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá hoạt động thông tin báo chí trong Tuần và đề nghị các cơ quan báo chí có hiện tượng chỉnh sửa nội dung thông tin, gỡ bỏ bài viết báo cáo giải trình về lý do thay đổi liên quan nội dung tin, bài.

“Chính vì vậy, Bộ Thông tin - Truyền thông nhận thấy, những hiện tượng như khó khăn trong tiếp cận nguồn tin, có tin nhắn, gọi điện gỡ bài... chưa phải là dấu hiệu để khắng định lợi ích nhóm. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ lưu ý theo dõi hiện tượng trên và có giải pháp quản lý chặt chẽ” - Bộ trưởng Tuấn chốt lại câu trả lời.

P.Thảo