Bộ trưởng Thăng ra “tối hậu thư” cho cao tốc Nội Bài - Lào Cai
(Dân trí) - Trước việc gói thầu A4 và A5 Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị chậm tiến độ, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ra “tối hậu thư” cho các đơn vị thực hiện dự án này, yêu cầu chậm nhất đến 30/8 dự án phải hoàn thành để thông xe toàn tuyến.
Nội Bài - Lào Cai là dự án đường cao tốc dài nhất Việt Nam với 245km. Dự án có 8 gói thầu xây lắp, đến nay đã có 6 gói thầu được đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa phát huy hiệu quả, lí do là gói thầu A4 và A5 (đoạn qua tỉnh Phú Thọ và Yên Bái) chưa hoàn thành nên không khai thác được đồng bộ toàn tuyến.
Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm đại diện chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2009 nhưng vì nhiều yếu tố nên dự án đã được gia hạn tiến độ nhiều lần. Theo kế hoạch mới nhất về tiến độ mà chủ đầu tư, các nhà thầu xin điều chỉnh và cam kết thì dự án này phải hoàn thành vào 30/6 vừa qua, tuy nhiên thực tế hiện khối lượng của gói thầu A4 vẫn còn 30% và gói A5 là 26% chưa hoàn thành.
Trước tình hình thi công nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nếu không có giải pháp cụ thể thì dự án khó có thể hoàn thành trong 2 tháng tới. Vì vậy, Bộ trưởng đã yêu cầu VEC kiên quyết hơn với các nhà thầu thi công, với gói A5 phải hoàn thành vào ngày 20/8 và huy động nhân lực sang hỗ trợ thi công gói A4.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu, VEC với trách nhiệm là chủ đầu tư phải chỉ đạo các đơn vị thi công, tư vấn giám sát phải kiểm soát tốt chất lượng công trình, đặc biệt là chất lượng thi công bê tông nhựa để tránh xảy ra hằn lún vệt bánh xe khi công trình đưa vào khai thác, không vì lí do tiến độ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bộ trưởng cũng yêu cầu Chủ tịch hội đồng Thành viên của VEC hàng ngày phải có mặt trực tiếp ở công trường để kiểm tra, làm việc với các đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu và địa phương, nhằm giải quyết những tồn tại và đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành toàn dự án vào ngày 30/8.
“Nếu dự án không hoàn thành theo đúng tiến độ yêu cầu thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VEC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và luân chuyển công tác khác” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Được biết, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu VEC chấm dứt hợp đồng và tịch thu bảo lãnh hợp đồng đối với nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) tại gói thầu A4 vì khó khăn về vốn nên không đảm bảo tiến độ thi công. Tuy nhiên, theo VEC, đến chiều 30/6 nhà thầu Keangnam đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Việt Nam để đảm bảo hoàn thành thi công theo cam kết, số tiền được chủ đầu tư yêu cầu để trả và tạm ứng cho các nhà thầu phụ thi công là 10 triệu USD (hiện đã chuyển 4 triệu USD), vì vậy hợp đồng đối với Keangnam vẫn được duy trì.
Theo đề nghị được chủ động thiết kế mẫu cấp phối bê tông nhựa của các nhà thầu nhằm khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe và nhà thầu cam kết bảo hành 5 năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đồng ý về nguyên tắc.
Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tổ chức họp giao ban công trường và chủ nhật hàng tuần để chỉ đạo giải quyết công việc liên quan, trường hợp có công việc đột xuất thì báo cáo để Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo.
Tổng cục đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường cao tốc có trách nhiệm làm việc với VEC để tổ chức bảo vệ các vị trí chưa đóng đường ngang do chưa hoàn thiện hệ thống đường gom, nghiêm cấm tuyệt đối không cho phương tiện xe máy đi trên đường cao tốc. Các Vụ, Cục có liên quan khác cũng phải khẩn trương xúc tiến các công việc nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào ngày 30/8 tới đây.
Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có vai trò đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải Vịnh Bắc bộ. Dự án còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và tạo động lực cho công tác khai thác du lịch của thành phố Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.
Châu Như Quỳnh