Bộ trưởng Thăng phê bình lãnh đạo Vinalines bỏ cuộc họp “sống còn”
(Dân trí) - “Đi Campuchia có cứu được Vinalines không?” - Bộ trưởng Đinh La Thăng lên tiếng nhắc nhở Tổng Giám đốc của Vinalines Nguyễn Cảnh Việt khi ông này vắng mặt trong Hội nghị họp bàn tái cơ cấu doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải diễn ra hôm qua 27/3, tại Hà Nội.
Khi các thành viên của Vinalins có mặt trong cuộc họp trả lời là Tổng Giám đốc đi Campuchia, Bộ trưởng Thăng không ngần ngại nói thẳng: “Đi Campuchia có cứu được Vinalines không?”.
Về vấn đề tái cơ cấu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng tiến độ hiện nay của Vinalines là quá chậm chạp và thúc giục phải triển khai nhanh chóng. Bộ trưởng cũng đặt câu hỏi rõ ràng: “Đề án tái cơ cấu của Chính phủ Vinalines có làm được không? Còn vướng mắc gì?”.
Trả lời Bộ trưởng Thăng, ông Lê Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Vinalines nói: “Nếu không tái cơ cấu thì Vinalines sẽ tiệm cận nguy cơ phá sản, hiện nay Tập đoàn không còn khả năng trả các khoản nợ, nhưng ngân hàng không muốn cho khoanh nợ”.
Cũng theo ông Sơn, những bước đi cụ thể trong kế hoạch tái cơ cấu vẫn chậm trễ do nhiều vướng mắc. Hiện Vinlines đang đàm phán với các ngân hàng trong việc khoanh nợ gốc, nếu được khoanh nợ và xóa nợ thì khả năng tái cơ cấu mới thành công.
Sau khi nghe Vinalines báo cáo tình hình, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Công tác tái cơ cấu Vinalines có rất nhiều hạng mục nhưng quan trọng nhất là khâu tài chính, cần làm rõ những đơn vị nào giữ lại, nơi nào cho phá sản, sáp nhập... Vướng thì báo cáo lại ngay, nếu cần thiết thì Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ đàm phán với các nhà băng để xử lý”.
Theo Bộ trưởng Thăng, thực tế là Vinalines không trả được nợ chứ chả ngân hàng nào không muốn cho khoanh nợ, và việc triển khai cụ thể hóa kế hoạch tái cơ cấu của Vinalines chậm chạp là do một số lãnh đạo chưa sát sao.
Vinalines có 216 doanh nghiệp thuộc diện tái cơ cấu, trong đó 19 doanh nghiệp đã có thỏa thuận với một công ty mua bán nợ để mua bán nợ, cổ phần hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này Vinalines vẫn chưa thực hiện được cổ phần hóa tại đơn vị nào. Bên cạnh những tồn tại trong thực thể doanh nghiệp thì công tác tổ chức điều hành chưa hiệu quả.
Trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines ước đạt 4,3 triệu tấn với doanh thu có được chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Đối với việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, Tổng Giám đốc Vũ Anh Tuấn cho biết không có nhiều tiến triển. Báo cáo của Vụ tài chính - Bộ Giao thông Vận tải, cho thấy: Vinashin mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không có vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh; dư nợ vay lớn; kinh doanh thua lỗ, lỗ luỹ kế lớn.
Trong 9 tháng đầu năm 2010, Tập đoàn Vinashin chỉ bàn giao được 22 tàu, sản xuất gần như đình trệ. Trong 3 tháng cuối năm 2010, Tập đoàn đã tập trung nguồn lực hoàn thành các đơn hàng dở dang và bàn giao được 42 tàu. Năm 2011 bàn giao được 74 tàu.
Theo tính toán, Tập đoàn đã hoàn thiện bàn giao 42 tàu xuất khẩu với tổng số tiền thu về 5.061 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng 2.924 tỷ đồng, giảm bảo lãnh hoàn ứng là 4.092 tỷ đồng. Hoàn thành bàn giao 82 tàu trong nước với số tiền thu về 1.252 tỷ đồng, giảm nghĩa vụ bảo lãnh hoàn ứng 66 tỷ đồng. Hoàn thiện 16 tàu chờ bán để giảm thiệt hại với giá trị thu về dự kiến 5.198 tỷ đồng, giảm thiệt hại 2.034 tỷ đồng. Như vậy, nếu không thực hiện tái cơ cấu, tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng đối với các sản phẩm dở dang.
Bộ trưởng Thăng yêu cầu Vinashin phấn đấu từ nay đến 30/6 tới đây cơ bản phải bán hết những tàu nằm trong kế hoạch để trang trải nợ nần.
Quỳnh Anh