Bộ trưởng Nông nghiệp muốn người dân tích cực ăn cá tra

(Dân trí) - Ngành cá tra Việt Nam đang hướng tới thị trường nội địa, chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khuyến khích người dân tích cực ăn cá tra.

Chiều 9/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức sự kiện kết nối "Sản xuất - tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra".

Bộ trưởng Nông nghiệp muốn người dân tích cực ăn cá tra - 1

Các đại biểu thăm quan các gian hàng tại sự kiện "Kết nối sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra".

Ngành hàng cá tra được đánh giá là ngành kinh tế "tỷ đô" của Việt Nam với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, giá trị đạt 2,3 đến 2,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó mặt hàng cá tra bị đình trệ. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462.000 tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019.

Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu đã khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được. 

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất đơn hàng, nguy cơ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt, là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cá tra Việt Nam.

Hướng tới thị trường nội địa

Bộ trưởng Nông nghiệp muốn người dân tích cực ăn cá tra - 2

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại sự kiện.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành cá tra của Việt Nam đã xây dựng được hệ sinh thái đầy đủ, từ việc tạo ra con giống đến chuỗi chăn nuôi và đã có 150 cơ sở doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Chỉ từ chỗ xuất khẩu đến 10 nước ở châu Á, chỉ đạt 100 triệu USD/năm, đến nay cá tra đã xuất khẩu đến 141 quốc gia. Đây là sự cố gắng vượt bậc của người nông dân ĐBSCL.

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu… sự kiện kết nối "Sản xuất – Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" sẽ là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao, cũng như củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới.

Ông Cường thông tin, điều đáng mừng với ngành hàng cá tra của Việt Nam, ngày 1/11/2019 Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công nhận chính thức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ đã khẳng định uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính; giúp việc tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Để ngành cá tra phát triển ổn định, ông Cường cho biết, muốn mở rộng sản xuất, giá cá tra ổn định thì phải tập trung mở rộng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

"Không phải vì xuất khẩu khó khăn mà quay trở về thị trường nội địa. Chúng ta phải coi trọng việc phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu bền vững. Nếu khai thác được thị trường 100 triệu dân thì sản lượng tiêu thụ tăng, khi ấy sẽ kích thích được sản xuất", ông Cường nói.

Ông Cường đánh giá, việc khai mở thị trường trong nước nếu thành công sẽ đạt mục tiêu kép vừa tăng sản lượng, giá trị con cá tra và tạo thị trường tiêu thụ đa dạng hơn để người dân lựa chọn.

Dự báo, từ quý 3/2020, ngành hàng cá tra mới có khả năng phục hồi hoàn toàn. Chính vì vậy, để có thể khắc phục những khó khăn trước mắt hiện nay, giải pháp cần tập trung là vừa phát triển thị trường tiêu thụ trong nước vừa đẩy mạnh xuất khẩu.

Nguyễn Dương