1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Nông nghiệp: "Có nơi đôi lúc vẫn đánh đổi môi trường lấy kinh tế"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Tuy nhiên do nhu cầu tăng trưởng, đâu đó có lúc vẫn đánh đổi...

Sáng nay (27/4), tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị PCTT khu vực miền núi phía Bắc năm 2021. Hội nghị nhằm đánh giá công tác về PCTT năm 2020, phân tích diễn biến tình hình thiên tai đầu năm 2021 để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2021 tại khu vực miền núi phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đây là lần đầu tiên ông chủ trì hội nghị ở ngoài địa phận Hà Nội trên cương vị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Ông Hoan nói vui, ở Đồng Tháp quê ông mong muốn có một quả đồi, ngọn núi để làm du lịch, khi ra miền Bắc, ông thấy núi non hùng vĩ trùng điệp, vẻ đẹp "rất nên thơ".

Bộ trưởng Nông nghiệp: Có nơi đôi lúc vẫn đánh đổi môi trường lấy kinh tế - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.

"Mọi vùng miền, nếu chúng ta nhìn vào kỳ quan thiên nhiên thì thấy rất đẹp, nhưng chúng ta nhìn vào rủi ro thiên tai thì thấy rủi ro, bất trắc", ông Hoan nói.

Trong bài phát biểu, ông Hoan chia sẻ thêm, cách đây ít ngày ông có xem một bộ phim tài liệu có tựa đề "Thiên nhiên và con người" trên truyền hình, nói về mối quan hệ giữa loài người và thiên nhiên. Thiên nhiên có muôn loài cùng sinh sống, trong đó có loài người. Loài người thông minh nhất, tiến bộ nhất, nhưng loài người lại góp phần làm "mẹ thiên nhiên" nổi giận.

"Thời gian qua, loài người hứng chịu những trận thiên tai khốc liệt, nhưng đó cũng chỉ là sự cảnh báo của "mẹ thiên nhiên" thôi, nếu tương lai con người vẫn tiếp tục tác động xấu đến thiên thiên, thì "mẹ thiên nhiên" sẽ còn nổi giận hơn nữa", ông Hoan lưu ý.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, cụm từ "phòng chống" được nói nhiều trong các lĩnh vực, như phòng chống ma túy, phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống thiên tai... Khi có thiên tai, chúng ta thường xúm nhau lại để chống đỡ, sau đó là khắc phục, nhưng khi thiên tai qua đi thì chúng ta đôi lúc lại "lãng quên".

Theo ông Hoan, "phòng" là phải tìm ra được giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, để con cháu chúng ta trong tương lai được sống trong môi trường an toàn hơn trước thiên tai. Theo đó, trước mắt chúng ta tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng, những điểm xung yếu cần tiếp tục khắc phục. Trong PCTT cần có chiến lược dài hạn dựa trên nền tảng công nghệ, như công nghệ dự báo, công nghệ cảnh báo sạt trượt từ sớm,...

Tuy nhiên, ông Hoan thừa nhận, công nghệ dự báo sớm là khá khó khăn, các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến hàng năm vẫn có thiệt hại lớn về thiên tai. Nhưng theo ông, nếu có chiến lược, giải pháp căn cơ lâu dài thì chúng ta sẽ giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai.

Nói về câu chuyện đánh đổi môi trường lấy kinh tế, ông Hoan cho biết, thông điệp xuyên suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế". Tuy nhiên, do nhu cầu tăng trưởng kinh tế, ở mỗi địa phương có những lúc đâu đó vẫn còn tình trạng "đánh đổi một chút" môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. 

"Tôi nói vấn đề này không có ý phê bình địa phương nào, mà muốn nói lên chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Các địa phương cần tính toán giữa lợi ích trước mắt và lâu dài. Vì phát triển bền vững phải dựa trên 3 trụ cột, đó là: tăng trưởng kinh tế, giải quyết được các vấn đề xã hội và giữ được môi trường", ông Hoan nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Có nơi đôi lúc vẫn đánh đổi môi trường lấy kinh tế - 2

Quang cảnh hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, năm 2020, tại khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Trong những tháng đầu năm 2021, trong khu vực đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại, giông lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là mặc dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản, đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực. Thiên tai tại khu vực từ đầu năm đến nay đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 320 nhà bị hư hại, tốc mái; 1.086 con gia súc bị chết, thiệt hại về kinh tế ước tính là 25 tỷ đồng.

Thời gian qua, công tác PCTT đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, hậu quả do thiên tai gây ra tại các địa phương nhanh chóng được khắc phục, đời sống nhân dân tại các vùng thiên tai cơ bản ổn định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT còn tồn tại những hạn chế như: Nhận thức, kỹ năng PCTT của cộng đồng ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chưa đồng đều; việc tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai của người dân khu vực này còn chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tập huấn đối với lực lượng làm công tác PCTT và việc phổ biến kiến thức cho người dân ở khu vực chưa đi vào chiều sâu, hiệu quả. Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng PCTT thiếu đồng bộ, khả năng chống chịu hạn chế, một số công trình hư hỏng, xuống cấp do thiên tai; điện lưới thông tin liên lạc gián đoạn…

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ý kiến tham luận của đại diện các Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh trong khu vực. Các tham luận tập trung nêu bật những khó khăn, vướng mắc, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác PCTT; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT để nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm