1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng nói về việc “xử” facebook mạo danh lãnh đạo nhà nước

(Dân trí) - Từ vụ việc thiếu nữ 15 tuổi phải tự tử vì bạn trai tung clip cắt ghép lên mạng, từ hiện tượng những facebook mạo danh các Bộ trưởng, các lãnh đạo cấp cao của nhà nước vì mục đích xấu… Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trao đổi về những biện pháp quản lý mạng xã hội.

Xử lý hình sự bạn trai thiếu nữ tự tử

Tuần qua, câu chuyện “mạng xã hội gây ra cái chết đau lòng của một nữ sinh 15 tuổi tại Đồng Nai” được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn bạc khi gắn với việc xây dựng luật An toàn thông tin. Là đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật, Bộ trưởng hướng gì tới yêu cầu xây dựng cơ chế để vừa quản lý được vừa ngăn chặn được những độc hại vừa tạo được môi trường dân chủ trên môi trường mạng xã hội?

Gom nội dung đảm bảo an toàn cho toàn bộ môi trường mạng trong một đạo luật là rất khó. Chỉ riêng vấn đề an toàn kỹ thuật hay an toàn thông tin đối với cá nhân… nhiều nước đã phải làm những luật riêng. Có 4 nước hiện đã ra luật an toàn thông tin cá nhân.

Riêng hiện tượng như các đại biểu Quốc hội nêu, một thiếu nữ 15 tuổi đã phải tự tử vì những clip ái ân được cắt ghép, đưa lên mạng, đó là kết cục không mong muốn. Chuyện xuất phát từ việc thông tin cá nhân của thiếu nữ và người bạn trai - thông tin riêng, có thể coi là bí mật của 2 người - mà cậu bạn lại đưa lên mạng chia sẻ khiến cô gái cảm thấy bị xúc phạm, bị người khác lên án về hành vi của mình dẫn đến hành động bế tắc.

Việc đưa thông tin, hình ảnh này lên mạng còn là hành vi thiếu đạo đức và trách nhiệm xã hội phải giải quyết vấn đề này. Chắc chắn cậu thanh niên này đã phạm pháp hình sự và đã bị khởi tố về hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên, hậu quả là dẫn đến việc nạn nhân phải tự vẫn, một hậu quả rất đau xót.

Sự việc cũng đặt ra câu chuyện của cơ quan quản lý nhà nước với việc quản lý những thông tin đăng tải như này. Chắc là Bộ TT-TT phải xem xét vì có thể thấy thông tin đưa ra trong trường hợp này làm tổn hại cho xã hội, cho các thành viên trong xã hội. Đó là một thông tin không đúng.
Bộ trưởng nói về việc “xử” facebook mạo danh lãnh đạo nhà nước
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son: "Chưa thể đưa ra một lệnh cấm về việc lấy tên gia nhập facebook".

Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn về trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội?

Với nhà mạng thì chúng tôi sẽ khuyến cáo tất cả, khi có những hiện tượng kiểu này, phải ngăn chặn bằng kỹ thuật nữa. Trước hết là nhắc nhở, sau nữa, khi có hiện tượng như thế, phải dùng mọi biện pháp kết hợp, ngăn chặn việc phát tán thông tin bằng kỹ thuật vì hậu quả sẽ khôn lường nếu chúng ta không can thiệp kịp thời. Cứ để thông tin lan tràn thì không phải chỉ hàng trăm người sẽ truy cập vào trang này, hình ảnh của một con người trở thành quá xấu trong xã hội, khiến người đó cảm thấy bế tắc không còn đường thoát ra nữa và hành động tiêu cực, dại dột.

Sau nữa, chúng tôi tuyên truyền, khuyến cáo để tất cả các nhà mạng không lan truyền thêm những thông tin như này nữa, góp phần “canh” người khác truy cập mạng không phải tiếp cận với thông tin này.

Hiện Chính phủ đã thông qua chương trình tuyên truyền để đảm bảo an toàn thông tin theo hướng luật hoá chương về an toàn thông tin trong Nghị định 72 hiện nay để nâng chế tài xử lý. Mọi người cũng cần ý thức tự bảo vệ bằng cách đưa thông tin tốt, thông tin phù hợp với quy định của luật pháp, phù hợp với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam bằng cách cảnh giác, bảo vệ những thông tin tốt và chống lại những thông tin xấu.

Nếu trong vụ việc của nữ sinh ở Đồng Nai vừa qua, cộng đồng mạng xã hội nếu phát hiện thông tin không tốt như vậy mà nhanh chóng báo với cơ quan chức năng để ngăn chặn, không truy cập thêm thì việc xử lý sẽ kịp thời nhanh chóng hơn, có thể hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.
 
Facebook mạo danh lãnh đạo từ nước ngoài - "bó tay" cơ quan quản lý

Vấn đề đặt ra, với những thông tin được phát ra từ facebook, blog cá nhân… có nguồn gốc trong nước, cơ quan chức năng có thể kiểm soát được nhưng nếu thông tin xuất phát từ máy chủ đặt ở nước ngoài, việc can thiệp chắc chắn khó khăn. Tình trạng những thông tin rất gây chú ý như việc nói xấu lãnh đạo, bôi nhọ cán bộ, chế độ… thời gian qua là một minh chứng cho việc “tắc” về giải pháp quản lý cả về mặt kỹ thuật cũng như pháp luật và các công cụ khác, thưa Bộ trưởng?

Quản lý với những tin tức xuyên biên giới hiện nay không chỉ là thách thức với Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng… đau đầu. Ngay tại Mỹ, quê hương của những Google, Facebook… cũng bị tấn công mạng, bị thách thức. Mạng quản lý hoạt động của hệ thống điện lực, hệ thống tàu điện ngầm của nước này từng nhiều lần bị đe doạ, và trang web của các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng bị tấn công.

Ở Việt Nam, hiện chúng ta có 8 nhà mạng, các đơn vị cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có biện pháp phù hợp. Các biện pháp kỹ thuật như tường lửa đã được sử dụng nhưng tất nhiên, biện pháp này cũng không thể hiệu quả nhanh, tuyệt đối được vì các đối tượng sẽ tìm mọi cách để thực hiện hành vi của mình. Thực tế tội phạm trong lĩnh vực này đang phát triển một cách mạnh mẽ với nhiều thủ đoạn, nhiều phương thức, nhiều biến thể mới.

Hiện tại, tôi suy nghĩ, biện pháp quan trọng nhất là giáo dục tuyên truyền để mọi người đều có ý thức bảo vệ, bảo vệ chính bản thân mình và bảo vệ cộng đồng, xã hội, có cái nhìn nhận đánh giá đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin xấu trên mạng. Chúng ta cũng khuyến khích mọi người đưa thông tin tốt, thông tin chính thống lên mạng để làm sao môi trường mạng có nhiều thông tin tốt về đời sống con người Việt và những thành tựu của công cuộc đổi mới...

Một ví dụ thành công là vừa qua, do tuyên truyền tích cực, thuyết phục, người dân đã quay lưng, không còn xem “Quan làm báo”, “Dân làm báo” nữa. Ban đầu, những trang này hút người vào đọc vì những thông tin gây sốc nhưng thực chất các thông tin đưa ra đều xuất phát từ một sự thật ban đầu nhưng lại bị biến tướng đi để nói xấu Đảng, nhà nước, nhằm gây mâu thuẫn nội bộ.

Trong các phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua, các đại biểu cũng đề nghị cấm mạo danh trên faceboook. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này?

Về hiện tượng mạo danh này, phải đi từ đặc điểm, facebook hoạt động phi biên giới, mọi người đều có thể truy nhập không phải đăng ký, không có ai quản lý cả. Đó cũng là một khó khăn mà đặt vấn đề “cấm” là một thách thức. Trên facebook, chỉ cần đặt ra một nick name là người ta hoàn toàn tự do tham gia trên cộng đồng, chưa thể định ra một lệnh cấm, không cho truy cập, không được đặt tên như vậy được.

Cơ quan chức năng đang nghiên cứu để thể chế hoá quản lý, làm sao cho người dân được tự do trong hành động trên mạng nhưng tự do trong khuôn khổ, sao để một người thực hiện quyền tự do của mình mà lại làm phương hại đến người khác, xâm phạm đến tự do của người khác thì nhà nước sẽ có chế tài. Anh có thể tự do lập trang của mình trên facebook nhưng lại dùng quyền tự do của mình để nói xấu người khác việc thực hiện quyền đó lại là vi phạm pháp luật, nếu hành vi phạm đe doạ an toàn xã hội thì càng phải nghiêm trị.

Thực tế hiện tại, trên facebook có rất nhiều trang đứng tên các Bộ trưởng, cán bộ cấp cao và lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng không phải của các vị đó. Hướng nào để giải quyết vấn nạn này, thưa Bộ trưởng?

Đấy là một vấn đề khó, một thách thức với công tác quản lý, nhất là khi các trang thông tin cá nhân như vậy xuất phát từ máy chủ đặt ở nước ngoài. Nghị định 72 đã quy định, mọi người cung cấp thông tin dịch vụ trên mạng phải đăng ký tại Việt Nam, phải có máy chủ đặt tại Việt Nam. Có như vậy mới có chế tài được với những trường hợp mạo danh, nói xấu Đảng, nhà nước, chế độ… như bạn đề cập chứ nếu dịch vụ được cung cấp qua biên giới mà không qua cơ quan nào đăng ký tại Việt Nam thì không thể quản lý. Chính vì vậy, các thế lực thù địch chống chúng ta rất quyết liệt khi nhà nước ban hành Nghị định 72 quy định các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt ít nhất 1 máy chủ tại Việt Nam. Quy định thế là để bảo vệ chặt chẽ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức cũng như người dân trên lãnh thổ Việt Nam.

Chống lại những thông tin xấu, những luận điệu như vậy, vai trò của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cũng rất quan trọng?

Đúng như vậy, Chính phủ rất quan tâm đến quy chế người phát ngôn, cung cấp thông tin cho xã hội của các bộ, ngành địa phương là như vậy. Trước đây, năm 2008, chúng ta đã có Nghị định về việc này với quy định về thời gian, tần suất cung cấp thông tin là mỗi năm 2 lần. Nhưng sau đó, nhận thấy tần suất như vậy vẫn chưa kịp thời nên giữa năm 2013,  quy chế người phát ngôn và cung cấp thông tin đã được sửa đổi thành Quyết định 25, quy định các cơ quan và địa phương phải thường xuyên đưa thông tin của mình trên cổng thông tin điện tử và ít nhất 3 tháng tổ chức hợp báo 1 lần; có việc đột xuất thì theo quy định trước đây là 2 ngày phải cung cấp thông tin còn hiện tại, nếu xác định đó là thông tin ảnh hưởng rộng lớn đến xã hội thì cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin ngay tức thì trong ngày. Việc này đã được một số cơ quan bộ ngành thực hiện thường xuyên nên chúng ta có nhiều thông tin tốt, thông tin chính thống, chính xác để cung cấp cho báo chí kịp thời, khắc phục nhiễu tạp.

Nhưng vừa qua, cũng phải nói là hoạt động này chưa duy trì được thường xuyên nên vừa đây Thủ tướng phải nhắc nhở. Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm đưa thông tin kịp thời, nhất là thông tin về Chính phủ lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để cung cấp thông tin cho xã hội về các hoạt động, điều hành của Chính phủ, đưa thông tin trên cả facebook để làm sao những thông tin chính thống át đi những thông tin sai trái.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm