1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Bộ trưởng NN&PTNT: Chưa phát hiện hóa chất tạo mùi, làm trắng gạo

(Dân trí) - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết đã tổ chức kiểm tra tại các địa phương trước thông tin gạo được trộn hóa chất để tạo mùi, làm trắng. Ban đầu, kết quả kiểm tra 6 cơ sở lúa gạo tại TPHCM chưa phát hiện tồn dư các loại hóa chất đó.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 25/8, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận phản ánh lo ngại về thông tin hóa chất được trộn vào gạo để tạo mùi và làm trắng hạt gạo từ dư luận.

Được yêu cầu xác nhận việc có hay không các loại hóa chất này, Bộ trưởng NN&PTNT trước hết nhấn mạnh, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, vì ảnh hưởng đến cuộc hàng ngày của người dân, của cộng đồng. Vì thế, trước thông tin về hóa chất tạo mùi, làm trắng gạo, ông Phát đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra khẩn trương, thông báo kết quả cho nhân dân biết.

Thông tin mới nhất Bộ trưởng Phát đưa ra, hiện tại, kết quả kiểm tra bước đầu tại 6 cơ sở kinh doanh, chế biến lúa gạo tại TPHCM chưa phát hiện tồn dư của loại hóa chất đó trên gạo. Ông Phát cũng khẳng định, việc kiểm tra đang được tiếp tục triển khai, ở nhiều địa phương khác ngoài TPHCM.
 
Bộ trưởng NN&PTNT: Chưa phát hiện hóa chất tạo mùi, làm trắng gạo

Cũng về vấn đề sản xuất, chế biến lúa gạo, Bộ trưởng NN&PTNT nhận nhiều câu hỏi khác về chủ trương giữ đất lúa, khuyến nông, lo đảm bảo cuộc sống cho người trồng lúa…

Về hiện tượng nông dân nhiều tỉnh thuần nông bỏ ruộng đất, đến các thành phố lớn làm thuê, ông Phát cho biết, hiện Bộ đang chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để đề xuất giải pháp khắc phục, đặc biệt là có giải pháp giúp bà con nâng cao thu nhập từ đồng ruộng để duy trì sản xuất.

“Kết quả điều tra ban đầu cho thấy thời gian qua, do giá vật tư nông nghiệp tăng cao, giá đầu ra nhiều loại nông sản xuống thấp khiến thu nhập của bà con nông dân tại một số khu vực nhất định quá thấp. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng, không sản xuất. Do đó, chúng tôi thấy biện pháp chính là phải tạo điều kiện cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng” - Bộ trưởng NN&PTNT nói.

Khẳng định chủ trương duy trì quỹ đất trồng lúa (3,8 triệu ha), ông Phát giải thích, trong điều kiện thị trường hiện nay, việc bảo vệ đất lúa vì lợi ích. Tuy nhiên, trên đất lúa, người dân có thể tự quyết định chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Phát lấy ví dụ cây ngô, trồn đề phục vụ nhu cầu rất lớn về thức ăn chăn nuôi, đang phải nhập khẩu và giá ngô cũng khá cao, có thể làm lợi cho nông dân.

Đi sâu vào bài toán lợi ích, làm sao để người nông dân sống được với đồng ruộng, chống nghịch lý “lúa đầy đồng nhưng nông dân không vui vì được mùa thì mất giá” hay Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất, nhì thế giới nhưng giá bán lại thấp, Bộ trưởng Phát nêu quan điểm, đã đến lúc phải chuyển từ nền nông nghiệp tập trung cho sản lượng sang một nền nông nghiệp tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là giá trị gia tăng đề làm tăng thu nhập cho nông dân.

Theo đó, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ông Phát cho biết, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.

Hỗ trợ người nông dân - những người “làm ra được hạt gạo nhưng không kiểm soát được số phận của hạt gạo” có thể tiếp tục sống bằng nghề nông như cha ông, theo Bộ trưởng NN&PTNT là phải cần nhanh chóng, quyết liệt để thực hiện có hiệu quả hơn chủ trương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, thông qua đó nâng cao nhanh hơn thu nhập và cải thiện đời sống của bà con nông dân.

Ông Phát chia sẻ sự cảm động khi đọc được những “tâm thư” thể hiện tâm tư, nguyện vọng của hàng triệ bà con nông dân trên mọi miền cả nước. “Khi đọc những bức thư đó, chúng tôi tự thấy trách nhiệm của mình” - Bộ trưởng Phát trình bày, những người xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phấn đấu tăng gấp hơn 2,5 lần thu nhập bình quân của người nông dân so với năm 2005.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm