Facebook, Google không chịu gỡ tin xấu độc: Phải định danh người dùng!
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ TT-TT nêu vướng mắc, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video của các tổ chức phản động, nhân vật bất đồng chính kiến, phần tử cơ hội... gặp nhiều khó khăn. Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc.
Chỉ Facebooker được định danh mới được livestream
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Chính phủ cũng yêu cầu Facebook, Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng với Việt Nam để trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, tập trung 3 nhóm vấn đề chính: vi phạm về nội dung (bao gồm cả quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.
Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh về an ninh chính trị, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm túc các quy định của Luật An ninh mạng, như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, mở Văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, theo Bộ TT-TT, Google đã ngăn chặn hơn 8.192 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, gỡ 108/111 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Facebook gỡ bỏ 249/257 tài khoản giả mạo, 2.458 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 251 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc. Apple gỡ bỏ 13/17 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore.
Để từng bước xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật (Fake News) trên nền tảng Facebook và Youtube, góp phần hạn chế tình trạng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.
Bộ TT-TT đã đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, đồng thời yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức Đảng và Nhà nước khi có sự đồng ý của Bộ TT-TT hoặc sự xác nhận của chính cơ quan, tổ chức đó.
Nêu vướng mắc trong quản lý, Bộ trưởng Bộ TT-TT cho hay, việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video của các tổ chức phản động, nhân vật bất đồng chính kiến, phần tử cơ hội còn gặp nhiều khó khăn. Lý do là hai nhà cung cấp dịch vụ này đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi xem xét, đánh giá nội dung vi phạm.
Trong nhiều trường hợp, Facebook và Google không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Do đó, Bộ đang đề nghị Facebook phải triển khai định danh tài khoản người sử dụng tại Việt Nam, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TPHCM.
Cũng theo yêu cầu của Bộ, chỉ các tài khoản định danh mới được cho phép phát sóng trực tiếp (livestream) và Facebook phải có chính sách tìm kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.
Dữ liệu cá nhân của người dùng Internet bị “bán có chủ đích”
Cũng trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ TT-TT chia sẻ, Chính phủ xác định ngành công nghiệp nội dung số là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT, là môi trường kinh doanh, sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thiết lập môi trường để triển khai nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển mạng xã hội Việt Nam đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người Việt, Bộ TT-TT thực hiện quản lý hiệu quả các nền tảng mạng xã hội nước ngoài có hoạt động xuyên biên giới; đề xuất phương án xử lý các nền tảng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Đẩy mạnh triển khai ứng dụng các sản phẩm số Việt Nam (trình duyệt, phần mềm phòng chống mã độc, mạng xã hội) có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong cơ quan nhà nước, tiến tới giảm dần sự phụ thuộc vào các sản phẩm ngoại.
Theo đánh giá của Bộ TT-TT, phần lớn dữ liệu người dùng Internet Việt Nam hiện nay được nắm giữ bởi các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động xuyên biên giới dựa trên các nền tảng số (như Google, Facebook).
“Dữ liệu cá nhân người Việt đang bị thu thập, khai thác và tạo ra doanh thu rất lớn từ quảng cáo cho các doanh nghiệp nước ngoài” – lãnh đạo Bộ nêu rõ.
Thế nhưng, ngoài việc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này cũng chưa bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng. Nhiều vụ rò rỉ dữ liệu, thậm chí bán dữ liệu cá nhân có chủ đích cho bên thứ ba đã xảy ra. Không chỉ vậy, các nền tảng số còn là công cụ lan truyền không kiểm soát tin giả, tin sai sự thật gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Nhìn nhận sự phụ thuộc vào các nền tảng số nước ngoài tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với chủ quyền số quốc gia, Chính phủ khẳng định cần giải quyết sớm việc này. Theo đó, từ một năm trước đây Chính phủ đã giao Bộ TT-TT phát triển hệ sinh thái số Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng Internet của người Việt, hướng tới giảm dần phụ thuộc đối với các nền tảng nước ngoài.
Phương Thảo