1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng GTVT: Phải phát triển hàng hải, giảm áp lực cho đường bộ

Thư Trần

(Dân trí) - Thị phần hàng hóa trên cả nước chiếm tỷ lệ rất lớn nhưng áp lực vận chuyển hiện chủ yếu dồn vào đường bộ. Trong khi đó, lợi thế cảng biển và đường thủy nội địa trải dọc 3 miền chưa được khai thác hết.

Chiều 22/3, Bộ GTVT tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa. Buổi làm việc có sự tham dự của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lãnh đạo các sở, ngành liên quan tại TPHCM cùng hơn 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước. 

Hội nghị tập trung tham vấn ý kiến các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa trong vấn đề thực tiễn về kết nối cảng, đường thủy nội địa, bến thủy nội địa với các đường bộ, luồng lạch...

Hệ thống cảng biển khai thác chưa hiệu quả

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng mong muốn nhận thêm góp ý về các vấn đề phát triển vận tải biển, trả lời các câu hỏi vì sao thị phần thấp, từ đó đề ra chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển.  

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định chiều dài bờ biển dài là lợi thế rất lớn của nước ta. Dọc 3 miền đất nước có nhiều cảng biển lớn, đa dạng, hệ thống đường thủy phong phú. 

Mặc dù kết cấu hạ tầng đường thủy được Nhà nước đặc biệt quan tâm, nỗ lực đầu tư, phát triển, song thị phần của lĩnh vực này hiện nay vẫn đáng quan ngại.

Bộ trưởng GTVT: Phải phát triển hàng hải, giảm áp lực cho đường bộ - 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị chiều 22/3 (Ảnh: Chí Hùng).

Ông Thắng chỉ ra trong khi hàng hóa chiếm 80% thị phần, hệ thống cảng biển, đường biển dọc từ Bắc vào Nam lại chưa được khai thác hiệu quả.

Mục tiêu của ngành giao thông trong thời gian tới là nâng được thị phần hàng hải, đường thủy nội địa trong nước. Trong đó, việc nâng thị phần vận tải hàng hóa hàng hải càng nhanh càng tốt.

"Nếu nâng được thị phần vận tải hàng hóa bằng phương tiện vận tải biển nội địa, chúng ta sẽ có cơ hội giảm chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì bảo dưỡng", ông Thắng nói và cho rằng nếu làm được, số vụ tai nạn giao thông đường bộ trên cả nước sẽ giảm đáng kể. 

Từ thực tiễn này, ông Thắng nhấn mạnh bài toán đặt ra cho Bộ GTVT, các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp hiện nay là phải làm gì để phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng lưu ý hành lang pháp lý là vấn đề rất quan trọng mà bộ kỳ vọng nhận được góp ý, làm cơ sở tham mưu các cấp, đồng thời phối hợp với các địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu xã hội, người dân được hưởng lợi. 

Doanh nghiệp hàng hải than khó

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Tổng giám đốc cảng Sài Gòn cho biết, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. 

Điều kiện cần và đủ để có cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên tại Việt Nam là phải có đối tác phù hợp; vị trí gần với các tuyến hàng hải toàn cầu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu hơn 15,5m; đồng thời, bãi có thể mở rộng, trang thiết bị công suất lớn.

Bộ trưởng GTVT: Phải phát triển hàng hải, giảm áp lực cho đường bộ - 2

Phối cảnh Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ trong tương lai (Ảnh: Portcoast).

Từ thực tiễn này, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, đề ra cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Ông Vũ Thanh Hải, đại diện một doanh nghiệp hàng hải, cho hay, khó khăn lớn nhất là vấn đề đầu tư tàu container, đầu tư lãi suất lớn. Lãi suất ngân hàng cao, nhưng có hạn. Chi phí quản lý cũng là gánh nặng cho doanh nghiệp. 

Do đó, ông Hải đề xuất Nhà nước ban hành chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container; miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container; tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề xuất việc quản lý, điều chỉnh các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả Cảng biển Việt Nam được ưu tiên giá tốt cho doanh nghiệp. Việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp chưa thật sự thuận lợi, cần được quan tâm, tháo gỡ...

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam đặt vấn đề bổ sung danh mục phương tiện và đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu.

Theo ông Liêm, phương tiện vận tải thủy kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên. Ba năm gần đây, do nhu cầu và để bù đắp cho các chi phí không chính thức, đa số phương tiện đóng mới hoán cải đều tăng trọng tải lên 1,5-2 lần, tải trọng bình quân lên 1.000TEU/chiếc.

Tuy nhiên, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ 2-3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Ngược lại tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đường thủy nội địa.

Do đó, Hội kiến nghị bổ sung danh mục phương tiện, Nhà nước cần ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp. Hiện mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp. Bởi thực tế cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu giá trị đầu tư chỉ 300-400 tỷ đồng là cao nhất.

Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container đạt sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Ngành hàng hải cũng tác động tích cực đến hoạt động du lịch quốc tế.

Nhiều năm qua, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, ổn định. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm