Bộ trưởng GTVT "điểm danh" những công trình trọng điểm sắp được triển khai ở ĐBSCL

(Dân trí) - Ngày 12/12, tại Sóc Trăng, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Kết nối mạng giao thông các tỉnh ĐBSCL và nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Tại đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Trong thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có tính chất động lực, tác động lan toả, tính kết nối vùng cao và tháo gỡ điểm nghẽn giao thông của vùng.

 

Bộ trưởng GTVT điểm danh những công trình trọng điểm sắp được triển khai ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội nghị

Hội nghị được tổ chức nhằm mục tiêu nghiên cứu tăng cường kết nối hệ thống giao thông vận tải vùng ĐBSCL đảm bảo phù hợp các chiến lược, quy hoạch của vùng, quốc gia và các địa phương có liên quan. Đồng thời, khai thác hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư, đặc biệt là dự án có tính chất động lực, tác động lan tỏa, tháo gỡ điểm nghẽn của vùng ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh – quốc phòng.

Mục tiêu cụ thể là rà soát, đánh giá hiệu quả khai thác các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư xây dựng của vùng, đưa ra được các bất cập, xác định các nguyên nhân, điểm nghẽn cần giải quyết để nâng cao hiệu quả khai thác. Đề xuất phương án, giải pháp kết nối hạ tầng giao thông vận tải các tỉnh trong vùng, liên vùng và quốc tế trên cơ sở phát huy lợi thế về đường thủy nội địa, đường biển. Đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông, vùng ĐBSCL có 4 loại hình vận tải gồm đường thuỷ nội địa, đường bộ, đường hàng không và đường biển. Tương ứng với các loại hình giao thông này, đơn vị đã quy hoạch mạng lưới giao thông gồm các trục ngang, trục dọc, đường hành lang ven biển, đường cao tốc, đường thuỷ nội địa.

Tại hội nghị, ông Phan Văn Sáu- Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết: Việc Bộ GTVT xây dựng đề án kết nối giao thông đã cụ thể hoá được rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ. Đề án đã nêu rất rõ các bất cập, thực trạng của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để từ đó có giải pháp gỡ điểm nghẽn, tăng kết nối.

"Khi giao thông chưa kết nối tốt, sẽ hạn chế nhiều mặt phát triển. Như từ TPHCM về Sóc Trăng chỉ khoảng 250km, nhưng thường phải đi mất 3-4 tiếng đồng hồ, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Nếu có thể mở rộng hệ thống giao thông sẵn có, tăng tính kết nối, phá bỏ những bất cập, điểm nghẽn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cơ hội phát triển cho địa phương và vùng”- Ông Sáu nhận định.

Bộ trưởng GTVT điểm danh những công trình trọng điểm sắp được triển khai ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Quang cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, 13 tỉnh ĐBSCL không có một cảng lớn, tất cả hàng hóa đều phải chuyển từ TPHCM hoặc vùng Đông Nam Bộ về. “Nếu có cảng biển tốt, sân bay tốt, ĐBSCL sẽ có cơ hội phát triển thành một điểm tập kết, xuất nhập hàng hoá cho khu vực, giảm thiểu chi phí vận tải, giảm ùn tắc và TNGT.”- Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành GTVT của cả nước cũng cho biết, giai đoạn 2018-20120, Bộ sẽ triển khai sớm một số tuyến đường có tính chất động lực, tác động lan toả, tính kết nối vùng cao và tháo gỡ điểm nghẽn của vùng. Cụ thể như, xây dựng cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đường N2 nối Long An- Đồng Tháp và Kiên Giang; Nâng cấp quốc lộ 60 đoạn cầu Rạch Miễu – Cổ Chiên; Nâng cấp kênh Chợ Gạo 2, dự án logistics ĐBSCL; Đầu tư xây dựng Cảng Trần Đề; Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Cần Thơ…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các địa phương góp ý đề xuất xây dựng cảng biển Trần Đề, thuộc tỉnh Sóc Trăng đưa hàng hoá xuất khẩu trực tiếp đi các nước trên thế giới. Hiện các cảng ở ĐBSCL chỉ tiếp nhận đường tàu khoảng 10.000 tấn. Các luồng tàu thường xuyên bị bồi lấp, tốn nhiều kinh phí nạo vét. Trong khi đó, khu vực biển Trần Đề có nhiều lợi thế để xây dựng cảng biển nước sâu. Nếu tàu lớn cập cảng tại đây, hàng hoá có thể đi bằng đường thuỷ hoặc hệ thống giao thông đường bộ đã được quy hoạch sẵn.

Phạm Tâm