Bộ trưởng Giao thông nói về "bài học xương máu" và việc cách chức, cấm thầu
(Dân trí) - "Bài học xương máu là cao tốc Đà nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án khác. Làm gì thì làm, dứt khoát chất lượng phải hàng đầu. Không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cách chức, xuống chức, chuyển công tác".
Ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - đã khẳng định như vậy khi trao đổi về việc đồng loạt triển khai các dự án trọng điểm quốc gia và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giao thông.
Những "điểm sáng" trong khó khăn đặc biệt
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, năm 2021 là năm hết sức khó khăn, có thể nói tất cả các lĩnh vực kinh tế đều khó khăn, đặc biệt là ngành giao thông. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đảm bảo giao thông là rất khó khăn, phải đảm bảo giao thông thông suốt để nền kinh tế phát triển, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong điều kiện Covid-19 nguy hiểm, trong khi 20 tỉnh phía Nam phải giãn cách xã hội.
"Lúc đầu chúng tôi rất lúng túng, sau đó Bộ họp trực tuyến hàng ngày với 63 tỉnh thành để nắm bắt tình hình giao thông và nhắc nhở đôn đốc các địa phương, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa, nếu không vận chuyển hàng hóa sẽ thừa hàng ở nông thôn, thiếu hàng ở thành phố. Đặc biệt, chúng ta không xuất khẩu được, phải nói rất là thử thách" - ông Thể cho biết và nói thêm, cuối năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 4%, thể hiện giao thông vận chuyển thông suốt từ nông thôn đến thành thị, đặc biệt phục vụ xuất khẩu.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, năm 2020-2021 toàn ngành tập trung 5 quy hoạch ngành, lấy ý kiến 63 tỉnh thành, Bộ GTVT đã công bố 4 quy hoạch, hiện quy hoạch hàng không đã trình Chính phủ.
Đối với việc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết năm 2021 là năm đầu tiên Bộ GTVT giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng, đạt trên 96% (trong cả nước giải ngân chỉ đạt bình quân 77% - PV). Trước đó, năm 2017 chỉ đạt 25.000 tỷ đồng, năm 2018 28.000 tỷ đồng, năm 2020 hơn 30.000 tỷ đồng.
Trong năm, nhiều dự án trọng điểm ngành giao thông cơ bản đạt tiến độ, nhiều dự án tồn đọng kéo dài được giải quyết như Cát linh - Hà Đông; mặt cầu Thăng Long trong nhiều lần sửa chữa không khắc phục được nhưng trong năm đã hoàn thành, đảm bảo bê tông hoạt động bền vững…
Cấm đấu thầu, cách chức cán bộ nếu vi phạm
Việc giải ngân vốn năm 2022, ông Thể thông tin, các dự án nào đang triển khai thì sẽ giữ vững tiến độ, dự án sắp triển khai, đã phê duyệt chủ trương đầu tư thì tập trung lập hồ sơ thiết kế, cố gắng khởi công vào tháng 7, tháng 8/2022 để giải ngân những tháng cuối năm.
"Chúng tôi tập trung các giải pháp nhà thầu quyết liệt, nếu không hoàn thành theo cam kết thì sẽ cảnh cáo lần 1, 2, 3 rồi cắt hợp đồng, cấm đấu thầu vì vi phạm dự án trọng điểm, để nhà thầu phải làm nghiêm. Với ban quản lý dự án, chúng tôi họp giao ban hàng tuần, lãnh đạo Bộ GTVT họp 2 lần/tháng, yêu cầu các lãnh đạo đơn vị ký cam kết với Bộ, không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cách chức, xuống chức hoặc chuyển công tác. Chúng tôi chuyển vốn, những Ban Quản lý dự án nào làm tốt sẽ bổ sung vốn, ban nào làm chậm thì chúng tôi cắt vốn, chuyển cho Ban khác." - ông Thể nói và cho biết việc này nhằm nhấn mạnh yêu cầu khi nhận nhiệm vụ và phải xem như nhiệm vụ quan trọng nhất.
Bộ trưởng GTVT thông tin, theo kế hoạch đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc, đến năm 2025 có 3.000 km, hiện nay có gần 1.164 km cao tốc đang triển khai. Bộ trưởng GTVT cho rằng cần phải có các cơ chế huy động nguồn lực để phát triển cao tốc đối với các dự án như vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM, miền Đông Nam Bộ. Chính phủ sẽ huy động vốn xã hội và vốn Nhà nước, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu đề xuất để huy động được nguồn lực.
Đề cập tới Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn 1 có 2 lần phải chuyển đổi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công. Bộ GTVT đề nghị đầu tư công vì chúng ta trong giai đoạn phục hồi kinh tế, cần thiết phải tăng kết cấu hạ tầng, dùng kinh phí này để đầu tư, đảm bảo tiến độ. Giai đoạn 1, các dự án đầu tư công vẫn đảm bảo, song 3 dự PPP thì mới có một dự án được ký hợp đồng tín dụng, một dự án khác dự kiến trong tháng 1, dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đang tập trung, dự kiến trong tháng 1 nhưng rất bấp bênh do thu hút vốn tín dụng.
"Chúng tôi mong muốn rằng khi Chính phủ kích cầu thì dồn vốn vào cao tốc Bắc - Nam là trục xương sống của cả nước. Dự án phải hoàn thành vào năm 2025, Quốc hội đồng tình để chúng ta đầu tư, sau đó bán quyền thu phí, nếu thành công 15 năm thì sẽ thu hồi được tiền bỏ ra. Có thể bán quyền thu phí 2 năm sau đó tổng kết xem bán thế lỗ lãi thế nào rồi bán cho các năm tiếp theo. Tóm lại đầu tư công để hoàn thành năm 2025 có con đường đột phá, kích cầu trong giai đoạn hiện nay, góp phần phát triển kinh tế" - ông Thể giải thích.
Vấn đề đặt ra là làm cao tốc nhanh quá thì có thể có vấn đề về chất lượng? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng GTVT khẳng định: "Dứt khoát chất lượng là hàng đầu. Chúng tôi đã có bài học xương máu là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số dự án. Làm gì thì làm, dứt khoát chất lượng phải hàng đầu, hoàn toàn không xuề xòa. Nhìn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là bài học, lần nào họp tôi đều nêu dự án này, bởi dự án này từ đơn vị dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát đều bị truy tố".
Người đứng đầu ngành GTVT cũng thông tin thêm, hiện nay Bộ Công an có 3 đơn vị bám sát với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng. Kiểm toán Nhà nước cũng đồng hành với Bộ GTVT từng giai đoạn giống như Bộ Công an, các lực lượng tăng cường khâu giám sát.
"Tôi khẳng định không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì làm ẩu là không ngủ được. Sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm, do đó làm sao mà dám, chỉ sơ suất là không biết. Hiện nay Ban dự án, nhà thầu, tư vấn đều đã được họp quán triệt phải làm nghiêm túc. Chất lượng từng lớp phải đảm bảo quy trình, hiện nay công tác giám sát gồm nhiều đơn vị, chúng tôi cũng giao cho Ban Quản lý dự án và tư vấn trách nhiệm nặng nề để giám sát chặt chẽ" - ông Thể nói và tái khẳng định: "Cả đời phấn đấu, vì một hai sự cố là mất hết tất cả, không ai dám đánh đổi việc đó đâu".