Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông
(Dân trí) - Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, với cương vị của mình, các ứng viên nói một làm mười, hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông…
Sự tin tưởng của cử tri với các ứng cử viên và những kiến nghị "sát sườn"
Ngày 12/5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng 4 ứng viên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử ĐBQH khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại đơn vị bầu cử số 3 tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, đại diện cử tri bày tỏ sự tin tưởng các ứng cử viên ĐBQH lần này đều là những người có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, năng lực, trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người ĐBQH, xứng đáng với kỳ vọng của Nhân dân.
Cử tri Trương Bá Duyên, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND thị xã Nghi Sơn cho biết, nhân dân thị xã rất phấn khởi và đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên, đã thể hiện được trách nhiệm và quyết tâm cao của từng ứng viên trên từng công tác được giao.
"Những năm gần đây, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn có nhiều dự án được đầu tư xây dựng, đã thực hiện thu hồi đất sản xuất nông nghiệp và đất ở của người dân, phải bố trí tái định cư đến nơi ở mới. Do vậy, một phần lao động sản xuất trên địa bàn không có việc làm, cụ thể lao động từ 45 tuổi trở lên. Vì vậy, rất mong các ứng cử viên quan tâm đến vấn đề việc làm, an sinh xã hội để đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", cử tri Trương Bá Duyên đề xuất.
Cử tri Đinh Xuân Hướng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh bày tỏ sự đồng tình của nhân dân và đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên. Cử tri Đinh Xuân Hướng mong muốn các cấp bộ, ngành quan tâm giải quyết vấn đề việc làm, người có thu nhập thấp, an sinh đối với người dân vùng khó khăn. Ngoài ra, cần mở rộng phạm vi, quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hưởng trợ cấp cho người cao tuổi, trẻ em dưới 3 tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
"Lắng nghe chương trình hành động của 5 ứng cử viên, tôi và cử tri huyện Quảng Xương đồng tình rất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên. Đặc biệt là chương trình hành động của đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Trong chương trình lần này, đồng chí đã nhấn mạnh việc đề ra những chương trình an sinh xã hội để phục vụ đời sống của người dân ngày một tốt hơn", cử tri Đỗ Đình Cường, Chủ tịch MTTQ huyện Quảng Xương chia sẻ.
Thay mặt cử tri huyện Quảng Xương, cử tri Đỗ Đình Cường kiến nghị: "Cần quan tâm đến việc tăng thêm tiền thờ cúng liệt sĩ; nghiên cứu chính sách việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng ở nông thôn; tăng cường giám sát quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai và quy hoạch khu dân mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp".
Trong khả năng những việc gì giải quyết được ngay thì không phải chờ
Mở đầu nội dung trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, thay mặt các ứng cử viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi lời cảm ơn cử tri của 4 huyện và 1 thị xã đã dành tình cảm, ghi nhận chương trình hành động của 5 ứng cử viên và đưa ra những kiến nghị, đề xuất.
Tại đây, Bộ trưởng chia sẻ: "Thời gian tới rất quan trọng, chúng ta tiến hành bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp. Đây là một việc hệ trọng của Quốc gia, mong muốn các cử tri dành thời gian, sự quan tâm của mình và bằng trách nhiệm của mình đối với đất nước".
Bộ trưởng cho rằng, mặc dù đất nước đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn cũng như thách thức, nhưng kinh tế xã hội trong thời gian qua tiếp tục tăng trưởng khá tốt, tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp; vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài vào tiếp tục phục hồi, nhất là quý I năm 2021, sau giai đoạn lắng đọng cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng, chúng ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn, trước hết là tình hình dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước. Với Thanh Hóa, Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng khi lãnh đạo tỉnh rất chủ động, có những biện pháp mạnh, phòng ngự từ xa.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý một số việc tồn đọng kéo dài như một số dự án thua lỗ, đóng cửa; đời sống của nhân dân một bộ phận còn khó khăn, tình trạng nhập cảnh trái phép gần đây…
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phương châm là chủ động, sáng tạo, hiệu quả, làm việc quyết liệt, lấy hiệu quả hành động; thực hiện mục tiêu kép, không chủ quan, không trông chờ, cũng không vì thế mà hoang mang.
Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri, Bộ trưởng chia sẻ, các ý kiến của cử tri có những điểm rất mới so với 8 huyện trước đây mà Bộ trưởng tiếp xúc. Các địa phương hiện nay hội tụ đủ các đặc trưng của Thanh Hóa, có miền núi, có đồng bằng, có thị xã, có công nghiệp, có biển.
Đối với những kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt các ứng cử viên tại đơn vị bầu cử số 3 cùng với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bước đầu xin ghi nhận, tiếp thu.
"Trong khả năng của mình, những việc gì giải quyết được ngay thì không phải chờ, ví dụ một số vấn đề an sinh xã hội có thể giải quyết ngay", Bộ trưởng nói.
Báo cáo với cử tri, Bộ trưởng cho rằng, nhiệm kỳ XIV, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa có số lượng lớn, hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là sự chỉ đạo của ông Đỗ Trọng Hưng, Trưởng đoàn; sự tham gia của Đoàn ĐBQH Thanh Hóa vào các quyết sách của Quốc hội có hiệu quả và được ghi nhận.
"Khóa tới, chúng tôi với cương vị của mình, trước hết nói một làm mười, hứa với dân rồi thì phải làm, không được hứa suông, không chỉ làm tròn trọng trách của mình mà còn góp phần vào quyết sách lớn của Quốc hội", Bộ trưởng quả quyết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian tới, sẽ tiếp tục 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững, đa chiều, bao trùm và chương trình giành cho đồng bào dân tộc miền núi.
Tổng 3 chương trình nêu trên khoảng trên 110 ngàn tỷ, nhưng sẽ giảm tối đa các chính sách cho không, chuyển sang hỗ trợ. Bộ trưởng thông tin, trong tháng 7/2021 sẽ thông qua Chính phủ và tháng 10/2021 sẽ trình Quốc hội.
Bên cạnh đó, tập trung cao cho thực hiện chính sách Người có công. Đầu tháng 7/2021, Chính phủ sẽ nghe tổng thể về các chính sách đối với Người có công.
"Hiện nay có khoảng 9,8 triệu người có công, 20% dân số Việt Nam đang nằm trong đối tượng bảo trợ xã hội, một năm giành 37 ngàn tỷ đồng cho Người có công và bảo trợ xã hội khoảng 17 ngàn tỷ đồng", Bộ trưởng thông tin.
Trước ý kiến về tỷ lệ thất nghiệp của cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ lắng nghe ý kiến đề xuất, tiếp nhận, cùng với địa phương tìm ra hướng đi mới trong giải quyết việc làm.
Tiếp tục các chính sách trợ cấp xã hội, đổi mới chính sách tiền lương; riêng với giảm nghèo tháng 1/2022, sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới ở khu vực nông thôn và thành thị.
Thay mặt các ứng cử viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa cam kết với cử tri của tỉnh Thanh Hóa nói chung và cử tri tại 4 huyện, 1 thị xã nơi ứng cử, dù là ĐBQH hay không cũng luôn cố gắng hết mình, xứng đáng với niềm tin của cử tri.