Bộ trưởng Công an nêu bất cập khi dao không được quy định là vũ khí

Hoài Thu

(Dân trí) - Tội phạm sử dụng dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng dùng dao nhọn gây án rất manh động, nhưng không xử lý được về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, theo Bộ trưởng Tô Lâm.

Sáng 2/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết ngày 20/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 14 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018.

Qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc.

Bộ trưởng Công an nêu bất cập khi dao không được quy định là vũ khí - 1

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Hồng Phong).

Theo Bộ trưởng Công an, thực tế hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội. Tuy nhiên, không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bộ trưởng Công an dẫn chứng theo quy định của Luật hiện hành, súng tự chế, vũ khí thô sơ không thuộc danh mục vũ khí quân dụng nhưng lại mang tính nguy hiểm.

Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

Khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng, nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm.

Bộ trưởng Công an nêu bất cập khi dao không được quy định là vũ khí - 2

Toàn cảnh phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 2/4 (Ảnh: Hồng Phong).

Để thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh cần thiết phải rà soát thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, để cắt giảm giấy tờ không cần thiết.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.

Một vấn đề khác được Bộ trưởng Công an chỉ ra là hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, trong nước, nhưng Luật hiện hành quy định nghiêm cấm cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài, cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ…

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều với nhiều điểm mới.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật.

Bộ trưởng Công an nêu bất cập khi dao không được quy định là vũ khí - 3

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới (Ảnh: Hồng Phong).

Ông đánh giá hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình đã đầy đủ các tài liệu quy định, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Tuy nhiên, ông Tới lưu ý để việc sửa đổi, bổ sung có tính toàn diện, phù hợp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khả thi và hạn chế sửa đổi, bổ sung nhiều lần, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ban soạn thảo đánh giá toàn diện hơn những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tổ chức thi hành Luật, đánh giá kỹ hơn và có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật.