Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: "Nơi nào còn nguy hiểm, kiên quyết phải di dời dân"
(Dân trí) - "Đề nghị địa phương cử người ứng trực tại những điểm nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người qua lại. Nơi nào còn nguy hiểm thì phải kiên quyết di dời dân; chăm lo đời sống nhân dân không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không để hộ dân nào bị đứt bữa" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đầu giờ chiều nay 4/8, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng Bộ Tư lệnh Quân khu II; lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Bắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sơn La và huyện Mường La về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ làm 20 người chết, mất tích và bị thương.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tính đến thời điểm 14h chiều nay (4/8), mưa lũ tại huyện Mường La đã làm chết 10 người, 6 người mất tích, 4 người bị thương. Tổng số nhà bị thiệt hại là 258 nhà, trong đó có 179 nhà bị cuốn trôi.
Tại thị trấn Ít Ong, mưa lũ cuốn trôi hai đường dẫn đến cầu cứng Nặm Păm khiến Quốc lộ 279 D tắc đường hoàn toàn, làm cô lập 5 xã. Mưa lũ còn cuốn trôi khoảng 3km đường tỉnh lộ 109 làm cho xã Ngọc Chiến và thủy điện Nậm Chiến bị cô lập.
Về sản xuất gần 300 héc ta lúa, hoa màu bị vùi lấp. Hệ thống điện 35KV đi 5 xã của huyện bị cuốn trôi gây mất điện cho 7.600 hộ dân. Tổng thiệt hại về vật chất ước tính 461 tỷ đồng.
Ngay trong sáng sớm qua (3/8), tỉnh Sơn La, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có mặt tại huyện Mường La thành lập sở chỉ huy để chỉ đạo khắc phục hậu quả. Quân khu 2, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền địa phương đã huy động trên 2.500 người và huy động máy móc thiết bị tìm kiếm cứu nạn.
Trong lúc này, việc quan trọng đang được tỉnh, huyện tập trung nhất là huy động lực lượng tìm kiếm 7 người hiện còn mất tích còn trôi dọc suối Nậm Păm và trên Sông Đà. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và các hộ phải di dời khẩn cấp.
Trước mắt, huyện Mường La đã hỗ trợ cho nhà bị cuốn trôi, nhà phải di dời mỗi khẩu 15kg gạo; mỗi hộ 2 thùng mì tôm, 2 bình nước uống.
Với tình hình thực tế hiện nay, tỉnh Sơn La cũng kiến nghị với Trung ương hỗ trợ kinh phí 330 tỷ đồng để xây dựng lại hai mố cầu qua suối Nậm Păm trên quốc lộ 279D và hệ thống kè suối Nậm Păm để bảo vệ thị trấn Ít Ong; sửa chữa khôi phục tuyến đường 279D và đường tỉnh lộ 109, tỉnh lộ 111 đi qua 5 xã của huyện Mường La và đầu tư kết cấu hạ tầng, sản xuất cho 5 bản bị thiệt hại hoàn toàn là bản Piệng, Huổi Hốc, bản Hốc, Huổi Liếng và Hua Nặm.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tinh thần chủ động, nỗ lực trong công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả mưa lũ của tỉnh, huyện, các cấp, ngành và người dân huyện Mường La. Đồng thời đề nghị các cấp, ngành của tỉnh, huyện tiếp tục rà soát lại những vùng có nguy cơ cao để di chuyển dân đến nơi an toàn; tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, cần chủ động phòng trừ, xử lý môi trường, đảm bảo không để phát sinh dịch, bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị địa phương cử người ứng trực tại những điểm nguy hiểm như hai bên đầu cầu Nặm Păm để đảm bảo an toàn cho người qua lại. Nơi nào còn nguy hiểm kiên quyết di dời dân; chăm lo đời sống nhân dân không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không để hộ dân nào bị đứt bữa.
Huyện phải thành lập bộ phận tiếp nhận dân chủ, công khai để mọi hỗ trợ đến được với đồng bào vùng lũ công bằng, hữu ích. Thời gian tới để ứng phó hiệu quả với thiên tai, Sơn La cần thực hiện tốt việc tái cơ cấu kinh tế , trong đó rừng là mũi kinh tế mũi nhọn.
Đối với các kiến nghị của tỉnh Sơn La, Bộ trưởng nhất trí về chủ trương, song địa phương cần phải cụ thể hóa sát với thực tế, nhất là việc xử lý hai mố cầu, phải có trách nhiệm và tính đến phần kinh phí của phần địa phương.
Nguyễn Dương