1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bố trí lãnh đạo ngoài địa phương để hạn chế quan hệ họ hàng

Theo ông Rứa, chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở cấp tỉnh và cấp huyện không phải là người địa phương đã triển khai thực hiện trước đó trong quá trình luân chuyển, đào tạo và tăng cường cán bộ cho các nơi.

Ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã đề nghị như thế tại hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hội nghị do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức tại TP.HCM, ngày 21-8.

 

Theo ông Rứa, chủ trương bố trí một số chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ở cấp tỉnh và cấp huyện không phải là người địa phương đã triển khai thực hiện trước đó trong quá trình luân chuyển, đào tạo và tăng cường cán bộ cho các nơi. Chẳng hạn ở Đại hội Đảng khóa IX, trung ương đã thí điểm thành công việc luân chuyển, bố trí sáu chức danh cán bộ không là người địa phương ở tỉnh Hà Tây (cũ). Đảng ủy Công an Trung ương đã bố trí trên 70% trưởng công an cấp huyện, khoảng 50% giám đốc công an cấp tỉnh, TP; VKSND Tối cao và TAND đã triển khai thực hiện việc này tương đối tốt. “Kết quả cho thấy chủ trương này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới cán bộ, tránh được sự trì trệ, bảo thủ của cán bộ khi công tác lâu ở địa phương, hạn chế những tác động không mong muốn của mối quan hệ họ hàng, người quen và tạo điều kiện cho cán bộ tự rèn luyện đổi mới mình” - ông Rứa nhấn mạnh.

 

Tại hội nghị này, ông Rứa đề nghị các cấp ủy thực hiện tốt chủ trương: Bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND các cấp và mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp huyện, cấp xã đối với những nơi có điều kiện. Bố trí bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan ở cấp tỉnh và cấp huyện không là người địa phương. Người địa phương ở đây được hiểu là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó.

 

Ông Tô Huy Rứa cũng đề nghị các cấp ủy cần thực hiện tốt chủ trương bí thư cấp ủy, cấp huyện và tương đương trở lên không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp tại một địa phương, đơn vị. Đồng thời phấn đấu thực hiện chủ trương này ở cấp xã… Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng yêu cầu các cấp ủy tiến hành công tác nhân sự trên cơ sở quy hoạch cán bộ để lãnh đạo công tác nhân sự cấp ủy chặt chẽ, đúng quy chế, quy trình.

 

Theo ông Rứa, Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị đặt yêu cầu và đòi hỏi rất cao đối với các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Bảo đảm tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng.

 

Để thực hiện tốt yêu cầu trên, trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các cấp ủy tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần chỉ thị của Bộ Chính trị.

 

Theo Tá Lâm
 Pháp luật TPHCM