1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ TN-MT đối thoại với 62 hộ dân Đà Nẵng ra trung ương khiếu nại

(Dân trí) - Sáng 17/9, Đoàn công tác liên ngành do Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì cùng lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với 62 hộ dân Cồn Dầu liên quan đến vấn đề khiếu nại, giải tỏa đền bù tại dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân.

Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân có quy mô 437 ha, di dời và giải tỏa đi hẳn trên 2.000 hộ dân với hơn 2.788 hồ sơ nhà đất và hơn 200 ha đất nông nghiệp khu vực Trung Lương, Cẩm Chánh, Cồn Dầu, một phần Lỗ Giáng và Tùng Lâm. Đến nay chỉ còn 130 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.

Khu vực Cồn Dầu còn 85 hộ chưa bàn giao trong đó có 62 hộ khiếu nại, 23 hộ đang chờ để bàn giao mặt bằng. Người dân khu vực Cồn Dầu được bố trí tái định cư tại khu dân cư E1 và E mở rộng. Đây là 2 khu tái định cư có điều kiện tốt hơn các khu tái định cư khác, gần nhà thờ, trường học, cơ sở y tế…

Kể từ khi TP Đà Nẵng tổ chức họp toàn dân công bố công khai quy hoạch dự án đến nay là 6 năm (năm 2008), lãnh đạo thành phố, quận đã nhiều lần tổ chức tiếp xúc, đối thoại với công dân để giải thích, giải quyết kiến nghị của người dân ở khu vực Cồn Dầu nhưng 62 hộ vẫn chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho dự án.
Một người dân phát biểu tại buổi đối thoại
Một người dân phát biểu tại buổi đối thoại

Tại buổi đối thoại sáng 17/9, các hộ dân đã khiếu nại về việc thu hồi, cưỡng chế, bố trí tái định cư, hỗ trợ cho các hộ thuộc diện giải tỏa,…

Ông Trần Quang Anh (trú tổ 21, Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ) hỏi: “Chúng tôi đang sống trên đất của ông bà tổ tiên để lại. Nay UBND quận Cẩm Lệ dưới sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất của chúng tôi để giao cho công ty CP Mặt Trời để phân lô bán nền. Giá đền bù là giá của thành phố mà bán cho chúng tôi với giá doanh nghiệp. Như vậy có công bằng không? Đây là dự án kinh thế thì chúng tôi phải được hưởng lợi. Vì thế chúng tôi đề nghị phải bố trí tái định cư tại chỗ cho chúng tôi”.

Ông Nguyễn Đức Liệt (tổ 21, Cồn Dầu) cũng yêu cầu TP Đà Nẵng phải bố trí tái định cư tại chỗ cho 62 hộ dân này và đền bù thiệt hại về tinh thần trong thời gian qua.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan (tổ 20, Cồn Dầu) bức xúc việc chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế trong điều kiện thời tiết không tốt và việc hỗ trợ bão lụt cho người dân có sự phân cấp giữa người bị cưỡng chế và người không bị cưỡng chế.

Quang cảnh buổi đối thoại
Quang cảnh buổi đối thoại

Một số hộ dân cũng khiếu nại về mức giá đền bù đất nông nghiệp, việc giải tỏa khu nghĩa trang Cồn Dầu không đúng quy trình.

Trả lời các hộ dân, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường cho biết, Hòa Xuân là nơi thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi mùa mưa tới, đời sống người dân còn khó khăn. Dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân không chỉ là dự án kinh tế mà còn là dự án mang tính nhân văn cao cả. Trong dự án có nhiều hạng mục, trong đó có khu nhà ở. Vì thế phải phân lô để bán.

Đại diện cho đội quy tắc đô thị quận Cẩm Lệ cũng cho biết, việc cưỡng chế các hộ trên đều thực hiện đúng các điều kiện, căn cứ chứ không hề sai. Và cũng không có chuyện đội quy tắc đô thị cưỡng chế nhà dân trong thời tiết mưa gió.

Ông Phan Tấn Tuyền, Chánh thanh tra TP Đà Nẵng đề nghị bà con nhìn rộng ra. Nơi tái định cư là nơi cao ráo, không ngập lụt, có trường học, trạm y tế… Tại sao bà con không chung tay, góp sức với địa phương? Trong khi các hộ dân khác đều đã bàn giao mặt bằng và chuyển qua nơi ở mới thì tại sao 62 hộ còn lại không chịu đi?

Đại diện của Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, theo quy định, việc bố trí tại định cư tại chỗ cho các hộ thuộc giải tỏa với điều kiện dự án có khu tái định cư. Tuy nhiên, trong dự án không có khu tái định cư nên không thể bố trí tái định cư tại chỗ.

Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi đối thoại 
Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi đối thoại 

Kết luận tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết, dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân là dự án đã được quy hoạch, là một dự án cần thiết. Trong quá trình thực hiện dự án, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực. Qua 6 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng cũng không tránh khỏi những sai sót, có một số hộ dân vẫn khiếu nại. UBND TP Đà Nẵng, UBND quận Cẩm Lệ đã cố gắng giải quyết. Đến nay còn 62 hộ chính thức ra ngoài trung ương để khiếu nại đến chính sách chung khi thực hiện dự án. Bộ trưởng, Thanh tra Chính phủ đã tiếp các hộ trên. Tuy nhiên, vấn đề các hộ khiếu nại chưa được rõ nên Chính phủ đã giao Đoàn vào Đà Nẵng làm việc với bà con và lãnh đạo TP Đà Nẵng.

“Mục đích của buổi đối thoại là làm rõ nội dung khiếu nại của các hộ và việc giải quyết của chính quyền địa phương. Đoàn đã nắm được những thông tin rất chi tiết, cụ thể của người dân và các ý kiến giải trình của các sở, ban, ngành địa phương. Đoàn công tác chưa thể trả lời việc đối thoại hôm nay là đúng hay sai. Đoàn ghi nhận ý kiến của hai bên, sau đó tổng hợp lại để có kết luận, báo cáo Bộ trưởng để Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng”, Phó Chánh thanh tra cho biết thêm.

Khánh Hồng