Bộ Tài nguyên và Môi trường quy hoạch đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào?
(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, các bộ và UBND địa phương đề nghị tham gia ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch đơn vị sự nghiệp công lập ngành tài nguyên và môi trường.
Trong quá trình sắp xếp đến năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu có 50 % đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.
Giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tinh giản biên chế phù hợp tình hình phát triển ngành.
Đến năm 2030, hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần; tiếp tục mở rộng thực hiện áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.
Về phạm vi quy hoạch, thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động chuyên ngành trong lĩnh vực tài nguyên- môi trường do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên- môi trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy hoạch này.
Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thuộc ngành này tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gồm các lĩnh vực: biển và hải đảo; đất đai; địa chất và khoáng sản; đo đạc và bản đồ; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; môi trường; tài nguyên nước; dữ liệu, thông tin tài nguyên môi trường.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ yêu cầu công tác quản lý, quy mô, kết quả hoạt động có thể thành lập, duy trì các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực tài nguyên- môi trường, gồm: Văn phòng Đăng ký đất đai; Trung tâm Phát triển quỹ đất; Trung tâm Kỹ thuật - Dữ liệu, thông tin tài nguyên và môi trường; Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường. Tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
“Các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, quy mô, kết quả hoạt động để thành lập, duy trì Trung tâm phát triển quỹ đất. Tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, chi đầu tư theo từng năm”-dự thảo nêu rõ.
Thế Kha