Bộ Quốc phòng trả lời kiến nghị rút ngắn thời gian tại ngũ xuống 12 tháng
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng cho biết, việc rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống 12 tháng cần được nghiên cứu một cách tổng thể đầy đủ và thấu đáo hơn.
Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh do Ban Dân nguyện chuyển đến ngày 30/12/2022, với nội dung: "Cử tri phản ánh, theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ 24 tháng là dài, cử tri mong muốn nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống còn 12 tháng".
Ngày 21/3/2023, Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau:
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016; cùng với các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn Luật được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự.
Sau hơn 7 năm thực hiện đã góp phần quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của địa phương, đơn vị. Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015, hàng năm công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ để bổ sung quân số cho các đơn vị thường trực và thay quân theo luật định, tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao; góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống.
Về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, cụ thể "thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng", trong tình hình hiện nay quy định trên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội.
Liên quan đến chất lượng huấn luyện, rèn luyện, sử dụng vũ khí trang bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị; việc rút ngắn thời gian phục vụ tại ngũ từ 24 tháng xuống 12 tháng cần được nghiên cứu một cách tổng thể đầy đủ và thấu đáo hơn.
Bộ Quốc phòng trân trọng tiếp thu ý kiến của cử tri và chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đảm bảo phù hợp thực tiễn trong tình hình hiện nay.