1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Bỏ qua" lệnh cấm của Trung Quốc, ngư dân hối hả ra khơi

(Dân trí) - “Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm này và ngư dân mình coi lệnh cấm này không có giá trị. Họ vẫn vươn khơi đánh bắt bình thường. Tuy nhiên, ngư dân mình cần có sự chuẩn bị trước sự tấn công, xua đuổi của tàu Trung Quốc”.

Mặc dù Trung Quốc ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông kể từ ngày 16/5 đến 1/8, nhưng những ngày này, tại âu thuyền Thọ Quang (TP Đà Nẵng) vẫn nhộn nhịp tàu thuyền cập cảng sau những ngày đánh bắt và tất bật chuẩn bị nguyên nhiên cho chuyến ra khơi mới.

Đang vá lại lưới để chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới, anh Văn Minh Lâm (trú Quảng Ngãi) – ngư dân tàu QNg 94275 TS cho biết, tàu anh đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, cập cảng cách đây hai ngày và đã bán hết cá. Hiện tàu đang chuẩn bị nhiên liệu, kiểm tra lại ngư cụ để vươn khơi trong chiều nay.

Đối với ngư dân, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị

Đối với ngư dân, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị

Hỏi về việc Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, anh Lâm chầm chậm trả lời: “Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đó nhưng có thấy tàu thuyền, ngư dân nào bỏ biển vì lệnh cấm đó đâu. Họ cấm là việc của họ, vùng biển mình mình cứ đánh bắt và còn bảo vệ chủ quyền nữa chứ. Tuy nhiên, vì tàu họ lớn và cách đây 5 năm tàu chúng tôi cũng từng bị tàu họ đâm hư hỏng nặng nên khi thấy tàu họ thì mình bỏ đi chỗ khác. Đánh bắt gần bờ không có cá nhưng ra ngoài xa lại bị tàu Trung Quốc xua đuổi nên việc khai thác của ngư dân chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn”.

Những mẻ cá vừa trở về sau chuyến vươn khơi

Những mẻ cá vừa trở về sau chuyến vươn khơi

Còn anh Nguyễn Trung Túy (trú Quảng Ngãi) – chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu QNg 94533 TS cho biết, tàu của anh vẫn đánh bắt bình thường chứ không có gì phải sợ sệt. 

Anh Trương Văn Hay (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu ĐNa 90235 TS thì quả quyết: “Chúng tôi không sợ gì cả mà vẫn tiếp tục ra khơi bám biển. Nếu chúng ta tỏ ra e sợ hay nhân nhượng thì Trung Quốc sẽ lấn tới”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết: "Trung Quốc có quyền đưa ra luật của họ, nhưng luật của họ chỉ áp dụng trên lãnh thổ của họ thôi. Còn đối với ngư dân Việt Nam là vô giá trị. Trên vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến Vịnh Bắc Bộ Việt Nam là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Những gì nằm trên vùng biển của Việt Nam thì luật đó không có giá trị gì đối với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi coi đó là luật không có giá trị và chúng tôi không chấp hành. Tuy nhiên, lợi dụng luật này, một số cơ quan chức năng như cảnh sát biển, kiểm ngư, thậm chí là ngư dân Trung Quốc đã xua đuổi, dí tàu của ngư dân mình, cướp tài sản của ngư dân Việt Nam. Đó là điều chúng tôi cực lực lên án".

Ngư dân kiểm tra ngư cụ để tiếp tục vươn khơi

Ngư dân kiểm tra ngư cụ để tiếp tục vươn khơi

Lệnh cấm của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 16/5, tuy nhiên trước đó 10 ngư dân của Đà Nẵng khi đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của mình thì đã bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Do tàu của họ lớn, còn tàu của mình nhỏ nên khi họ xua đuổi mình phải bỏ chạy. Trong quá trình bỏ chạy, ngư dân mình phải bỏ lại sản hải đã đánh bắt được nên gây thiệt hại cho ngư dân.

“Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lệnh cấm này và ngư dân mình coi lệnh cấm này không có giá trị. Họ vẫn vươn khơi đánh bắt bình thường. Tuy nhiên, ngư dân mình cần có sự chuẩn bị trước sự tấn công, xua đuổi của tàu Trung Quốc để yên tâm đánh bắt …” - ông Lĩnh cho biết thêm.

Khánh Hồng