Bỏ phương án chia cả nước làm 7 vùng kinh tế - xã hội

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Sau nhiều lần thảo luận, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân vùng theo 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bỏ phương án chia cả nước làm 7 vùng kinh tế - xã hội - 1

Quang cảnh buổi hội nghị (Ảnh: Quang Vinh).

Chính phủ chỉ đạo sử dụng phương án phân 6 vùng kinh tế - xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch của Việt Nam.

Về phương án phân vùng, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, đã có nhiều phương án đưa ra như chia lại thành 7 vùng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thảo luận, xem xét, Chính phủ đã chỉ đạo sử dụng phương án phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội hiện hành để thực hiện Luật Quy hoạch (trước đây Bộ KH&ĐT đưa ra hai phương án, trong đó phương án chia cả nước làm 7 vùng).

Theo Bộ KH&ĐT, phương án phân vùng hiện nay có tính kế thừa qua nhiều lần phân vùng khác nhau trước đây, đồng thời là cơ sở cho việc xây dựng các chính sách phát triển vùng, quy hoạch vùng trong 20 năm qua. Hiện đây là phương án phân vùng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Các địa phương trong mỗi vùng cơ bản tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, dân cư…, các địa phương có mối liên kết khá chặt chẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng...

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng, phương án phân vùng hiện nay cũng còn có mặt chưa phù hợp như khoảng cách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung quá dài. Để khắc phục hạn chế này, Bộ cho biết, trong quá trình lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 khi định hướng tổ chức phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo hai tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ và Tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Bỏ phương án chia cả nước làm 7 vùng kinh tế - xã hội - 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Quang Vinh).

Quy hoạch không đúng sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 là văn bản hết sức quan trọng, hoàn thiện không gian, các lĩnh vực tổng thể của đất nước với tầm nhìn dài hạn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây là cơ sở quan trọng để hoạch định phát triển đất nước trong những năm tới đảm bảo hiệu quả và bền vững. Đây cũng là văn kiện chung để triển khai các quy hoạch trên các vùng, các ngành, xây dựng quy hoạch các địa phương của cả nước.

"Nếu quy hoạch đúng, phù hợp sẽ phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cơ hội hợp tác, phát triển; và ngược lại, nếu quy hoạch không đạt yêu cầu, mong muốn đề ra, sẽ tác động tiêu cực đến các quy hoạch khác. Suy rộng ra là kìm hãm sự phát triển của đất nước" - ông Chiến nhấn mạnh.

Xung quanh việc xây dựng dự thảo, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng, ngoài quan điểm định hướng lớn, giải pháp chủ yếu khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thì cần quan tâm hài hòa các mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa ổn định đổi mới và phát triển; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, giữa kinh tế và quốc phòng an ninh; giữa kinh tế với văn hóa xã hội; giữa hiện đại, hội nhập quốc tế với văn hóa dân tộc Việt Nam; mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ…

Về định hướng chung, dự thảo nhấn mạnh việc tổ chức không gian phát triển các vùng nhằm khai thác tốt thế mạnh của từng vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực trong bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Dự thảo cần bố trí không gian phát triển các vùng cần gắn với các hành lang kinh tế đi qua địa bàn vùng và kết nối với các hành lang kinh tế khu vực, quốc tế. Đối với các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển các vùng động lực.

Cùng với đó, hình thành và phát triển các khu vực động lực của từng vùng. Gắn phát triển của các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch với quá trình đô thị hóa. Phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Hoàn thiện bộ khung kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không quy mô vùng và quốc gia trên địa bàn các vùng.

Dự thảo cũng nêu rõ tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp, đơn vị hành chính đô thị và đơn vị hành chính nông thôn, bảo đảm quy mô và chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định…

6 vùng kinh tế - xã hội hiện hành

Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hòa Bình.

Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. (phương án cũ không có Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên)

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.

Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trước đó, vào năm 2019, Bộ KH&ĐT đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội thay vì 6 vùng như hiện nay.