1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Nông nghiệp nêu 10 nguyên nhân gây sạt lở ở ĐBSCL

(Dân trí) - Bộ NN&PTNT cho biết, qua các nghiên cứu khoa học cũng như thực tiễn quản lý đã xác định 10 nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ sông, bờ biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, mất cân bằng bùn cát là do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn và khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển đã làm giảm đáng kể lượng bùn cát; Tỷ lệ phân bố dòng chảy giữa các sông chính thời gian gần đây có diễn biến rất phức tạp nhất là tại các khu vực phân lưu, hợp lưu; Chặt phá rừng, khai thác tài nguyên vùng đầu nguồn: Làm suy giảm tầng phủ thực vật, mất khả năng điều tiết của rừng.


Sạt lở đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân ĐBSCL. (Ảnh: Nguyễn Hành).

Sạt lở đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân ĐBSCL. (Ảnh: Nguyễn Hành).

Địa chất khu vực sạt lở chủ yếu là thành phần sa bồi mềm yếu, kết cấu rời rạc, dễ bị xói trôi; Xây dựng nhiều nhà ở, nhà máy, đường giao thông sát mép hoặc lấn chiếm bờ sông làm tăng cao tải trọng lên bờ sông, thậm chí làm cản trở thay đổi chế độ dòng chảy.

Bộ NN&PTNT cũng cho biết, nước biển có xu thế ngày càng dâng cao, trong vòng 20 năm qua, trung bình nước biển dâng cao từ 2 – 3 mm/năm; Lún sụt đất do việc khai thác nước ngầm quá mức để nuôi trồng thủy, hải sản, nhất là ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau (theo báo cáo sơ bộ của Viện Địa chất Na Uy tốc độ lún sụt trong vài năm gần đây khoảng 3cm/năm); Ảnh hưởng của các hoạt động giao thông thuỷ: tàu thuyền gia tăng, tạo sóng làm gia tăng sạt lở.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra một số tồn tại như: Việc quản lý của các cấp, các ngành đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi ở lòng sông, ven biển, xây dựng nhà cửa ven sông thiếu chặt chẽ và quyết liệt; Quy định về sử dụng đất ở ven sông, kênh rạch còn thiếu cụ thể, do vậy thiếu công cụ cho địa phương quản lý.

Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở các cấp chính quyền địa phương và người dân chưa được thực hiện thường xuyên, hoặc mang tính hình thức; Công tác quy hoạch phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển chưa được quan tâm đúng mức; Việc lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều hạn chế.

Việc áp dụng khoa học công nghệ để xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển còn nhiều tồn tại, chưa chú trọng đến sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện với môi trường; Việc phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở tại nhiều nơi chưa hợp lý, dẫn đến nhiều công trình được đầu tư chưa đúng mục đích, chưa bám sát tiêu chí, quy định của Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Chưa chú trọng việc duy tu bảo dưỡng, xử lý hư hỏng cục bộ công trình, quản lý tổng thể bờ sông, bờ biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở; Việc bố trí kinh phí xử lý sạt lở bờ sông bờ biển tại một số nơi chưa đúng trọng tâm, trọng điểm nên hiệu quả đầu tư thấp, công tác duy tu bảo dưỡng công trình chưa được đầu tư đúng mức; chưa có chính sách hợp lý về tài chính để huy động các nguồn lực, trong đó có huy động từ các doanh nghiệp hưởng lợi và từ người dân.

Bộ NN&PTNT cho biết, qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương, trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 406 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 891 km. Trong đó, sạt lở nguy hiểm là 17 đoạn, dài là 33.607km, điển hình là:

Sạt lở bờ biển: Gò Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau).

Sạt lở bờ sông: Bờ sông Tiền, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp); bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang); bờ sông Bò Ót, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (Cần Thơ); bờ sông Cổ Chiên, xã Đại Phước, huyện Càng Long (Trà Vinh); kênh Xáng Mái Dầm, huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Về suy thoái rừng ngập mặn: Theo báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và giao rừng để nuôi trồng thủy, hải sản, tập trung phần lớn tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Chỉ tính riêng trong vòng 5 (từ 1011- 2015), diện tích rừng toàn vùng đã giảm gần 10%; từ 300.417 ha năm 2010, còn 272.030 ha năm 2016 (giảm 28.387ha).

Nguyễn Dương