1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Nông nghiệp “chỉnh” việc quy hoạch rừng của tỉnh Thái Nguyên

(Dân trí) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, so với chỉ tiêu sử dụng đất theo Nghị quyết 51/NQ-CP/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất rừng đến năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên, tổng diện tích 3 loại rừng của tỉnh này sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch cao hơn 18.420,3 ha và có sự sai khác đối với từng loại rừng.

Như Dân trí đã phản ánh, vụ việc xâm hại rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) để khai thác vàng gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, làm rõ các nội dung liên quan đến việc buông lỏng quản lý để doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng và xây dựng nhiều công trình trái phép trên hàng chục héc ta rừng đặc dụng Thần Sa.

Gần đây nhất, ông Hà Công Tuấn- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 8722/BNN-TCLN gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thẩm định kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo của tỉnh Thái Nguyên cho biết, tổng diện tích quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là trên 197.294 ha, bao gồm: Đất rừng đặc dụng trên 40.261 ha; đất rừng phòng hộ 35.275 ha; đất rừng sản xuất 121.309 ha.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 51/NQ-CP ngày 10/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020 tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, tổng diện tích đất quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh này đến năm 2020 là 178.874 ha, gồm: Đất rừng đặc dụng 43.360 ha, đất rừng phòng hộ 35.941 ha và đất rừng sản xuất 99.573 ha.

“Như vậy, so với chỉ tiêu sử dụng đất theo Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ, tổng diện tích 3 loại rừng của Thái Nguyên sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch cao hơn 18.420,3 ha và có sự sai khác đối với từng loại rừng”- văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ.

Người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) vẫn đang gửi đơn thư tới cơ quan chức năng đòi lại đất trồng lúa đã cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng (Ảnh: CTV).
Người dân sinh sống trong khu vực rừng đặc dụng Thần Sa (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) vẫn đang gửi đơn thư tới cơ quan chức năng đòi lại đất trồng lúa đã cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng (Ảnh: CTV).

Cụ thể, đất rừng đặc dụng đã được tỉnh Thái Nguyên đề xuất thấp hơn trên 3.098 ha đối với quy hoạch nêu trong Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ, thấp hơn 125,4 ha so với hiện trạng sử dụng đất rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh. Trong trường hợp đã rà soát mà diện tích vẫn sai khác thì phải trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016-2020.

“Không chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng tự nhiên, trong trường hợp chuyển sang mục đích khác phải thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 71/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Việc đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng để quy hoạch vào loại loại rừng khác hoặc quy hoạch vào rừng đặc dụng phải căn cứ tiêu chí rừng đặc dụng theo quy định tại Nghị định số 117/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phát hiện đất rừng phòng hộ tỉnh Thái Nguyên đề xuất thấp hơn 666 ha so với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và thấp hơn 9.292 ha so với hiện trạng sử dụng đất rừng của tỉnh này.

Chính vì thế, Bộ đã yêu cầu tỉnh Thái Nguyên không chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ xung yếu, rất xung yếu; trong trường hợp chuyển sang mục đích khác phải thực hiện theo Nghị quyết số 71/2017 của Chính phủ.

Diện tích rừng phòng hộ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Trường hợp đã rà soát mà diện tích vẫn sai khác thì phải trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ 2016-2020.

Người dân đòi lại đất trồng lúa

Như Dân trí đã phản ánh trước đó, nhiều người dân đang sinh sống tại thôn Khắc Kiệm, xóm Xuyên Sơn (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên) đã gửi đơn tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị làm rõ việc lấy cả cánh đồng trồng lúa cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng gây bức xúc dư luận địa phương.

Theo phản ánh, bao năm qua người dân xóm Xuyên Sơn vất vả đi lại vì doanh nghiệp khai thác vàng phá nát con đường dân sinh, buộc người dân phải đi lòng vòng xung quanh khai trường, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn. Người dân tại đây bao năm phải gồng mình gánh chịu nước thải gây ô nhiễm từ 8 máng tuyển rửa vàng sa khoáng chạy suốt ngày đêm.

“Việc tỉnh Thái Nguyên cấp phép cho Công ty Thăng Long toàn bộ diện tích đất trồng lúa 2 vụ/năm của gần trăm hộ dân, hàng trăm nhân khẩu hiện đang sinh sống nhờ vào ruộng đồng, khiến nhiều năm nay nhân dân phải sống trong cảnh phập phồng, bất an chẳng biết khi nào mất ruộng. Gần 10 năm qua cánh đồng lúa Khắc Kiệm được cấp cho doanh nghiệp nhưng không triển khai bồi thường cho người dân”- đơn phản ánh nêu rõ.

Người dân mong cơ quan chức năng sớm thu hồi dự án, trả lại ruộng đồng cho nhân dân canh tác, ổn định cuộc sống, không phải chịu cảnh phập phồng âu lo mất kế sinh nhai.

Thế Kha