1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu: Có tâm lý "vét chuyến cuối"

Tình trạng ký bổ nhiệm, duyệt dự án khi chuẩn bị nghỉ hưu thời gian qua rất nhiều. Phải có quy định chặt, kể cả hồi tố các quyết định đó.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Như Tiến đã chia sẻ với báo chí như vậy bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13.

Theo ông Tiến: “Tâm lý "vét chuyến tàu cuối cùng" là có, vì vậy phải quy định chặt để ngăn chặn”.

Ai cũng nghĩ chuẩn bị nghỉ hưu thì không còn gì để mất!

PV: Thưa ông, vừa qua thanh tra chính phủ có báo cáo về việc có tình trạng ký quyết định trước khi nghỉ hưu của các cán bộ có chức quyền và thực tế phát hiện ra nhiều nơi như Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐB Lê Như Tiến: Tôi đã nhiều lần nói với cơ quan thông tin đại chúng và cơ quan quản lý là nên có quy định cấm cán bộ lãnh đạo quản lý trước khi nghỉ hưu ký quyết định nhân sự và công trình đầu tư, dự án. Đó chính là cách để phòng ngừa.

Chừng nào không phòng ngừa thì vẫn còn xảy ra vì ai cũng nghỉ rằng chuẩn bị nghỉ thì không còn gì để mất và cố làm ‘chuyến tàu vét cuối cùng’ trước khi hạ cánh. Đó là tâm lý chung.

Cho nên nếu chúng ta không có quy định thì công chức, cán bộ vẫn còn làm điều đó, sẽ có kẽ hở và hiện tượng này vẫn tái diễn.

Phải quy định chặt chẽ, trước khi nghỉ hưu 6 tháng không được ký quyết định bổ nhiệm hay đầu tư…

Đại biểu Lê Như Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10
Đại biểu Lê Như Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10

Theo ông có nên quy định đến mức là nếu vẫn cố tình ký thì sẽ bị vô hiệu hóa quyết định đó không? Hoặc là người ký sẽ bị hồi tố, kể cả hạ cánh vẫn không an toàn?

Tôi cho là có. Phải thật chặt chẽ vì khi đó họ cảm giác sắp rời xa nhiệm sở nên cũng muốn ban ơn hoặc có gì đó, hai là tranh thủ có một cái gì đó.

Như trường hợp của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm, rồi khối tài sản lớn một cách khó hiểu mà chưa có kết quả điều tra gì? Phải hiểu điều này như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải vào cuộc vì chúng ta không thể nói mà thiếu căn cứ được. Nhưng các cơ quan này phải vào cuộc khẩn trương vì khối tài sản ấy, những căn cứ pháp lý ấy không phải là cái gì quá phức tạp, quá khó khăn.

Nếu đó là tài sản từ công sức, mồ hôi, nước mắt của ông Truyền hoặc từ con cháu ở nước ngoài gửi về hay do người quen biếu tặng thì vô can. Nhưng không chứng minh được điều đó thì có nghĩa là có vấn đề.

Theo tôi, muốn phòng, chống tham nhũng phải làm rất rõ việc minh bạch tài sản và nghĩa vụ giải trình. Nghĩa vụ giải trình mà không làm được tốt thì trách nhiệm người đứng đầu.

Nghĩa vụ giải trình và minh bạch tài sản lâu nay chúng ta có làm kê khai nhưng không công khai. Đáng ra phải công khai ở nơi cư trú và nơi công tác thì các cử tri, cán bộ công chức dưới quyền người ta mới kiểm soát được và hơn ai hết, bất cứ việc gì ở khu dân cư người ta biết ngay.

Ví dụ anh có ô tô gì, nhà cửa ra sao, lối sống như thế nào… Chúng ta cứ nói phát huy vai trò “tai mắt” là nhân dân nhưng thực ra chúng tạo cơ chế cho nhân dân tham gia vào đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất khiêm tốn.

Cần có quy định quản lý cán bộ sau nghỉ hưu

Còn về việc quản lý cán bộ sau nghỉ hưu theo ông có nên có một quy định?

Tôi nghĩ là cần có những qui định quản lý cán bộ cao cấp sau nghỉ hưu vì ai cũng phải quản lý. Công dân bình thường cũng phải quản lý chứ không nói cán bộ cao cấp.

Trường hợp của ông Hồ Xuân Mãn nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế khi đã nghỉ hưu xuất hiện việc man khai nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thì cho đến bây giờ Ủy ban kiểm tra Trung ương vẫn làm ra và khẳng định có 8/15 vấn đề không đúng sự thật và quyết định thu hồi lại danh hiệu đó. Việc đó ta vẫn làm được vậy tại sao với ông Truyền và những người khác lại không?

Vậy theo ông làm sao kiểm soát được tài sản tăng thêm của quan chức?

Bản thân quan chức ấy phải có kê khai trung thực và cơ quan cấp trên của quan chức đó phải kiểm soát được và khi người ta có những tài sản chuyển dịch cho người thân trong gia đình hoặc chuyển ra nước ngoài, chính là cơ quan pháp luật phải can thiệp.

Chúng ta có điều tra, thanh tra của Chính phủ, kiểm tra của Đảng, các cơ quan giám sát của các cơ quan dân cử. Chúng ta có tầng tầng, lớp lớp các cơ quan chứ không thiếu. Vấn đề là tổ chức thực hiện.

Thế nhưng thực tế thời gian qua chưa xử lý được trường hợp nào cả. Theo ông trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu?

Theo tôi, phải tăng cường thôi. Phải có luật, chế tài tại sao anh quản lý, kiểm tra mà lại để lọt như thế. Việc chuyển tiền ra nước ngoài không phải không kiểm soát được. Tất cả mọi quá trình đều có “tai mắt” của các cơ quan bảo vệ pháp luật và họ biết hết.

Nhưng vấn đề là mình có công khai hay không. Công khai có 2 ý nghĩa, một là phòng ngừa, răn đe và đồng thời tiền ấy là tiền rửa hoặc không chính đáng thì còn phải xử lý nữa.

Ông bình luận gì về chuyện quan chức tạo sân sau trước khi về hưu?

ĐB Lê Như Tiến: - Có nhiều quan chức vừa rồi sau khi nghỉ lại ở một vị trí nghe có vẻ thơm thảo hơn, thu nhập lớn hơn với thu nhập chính đáng trước kia. Vì sao? Vì họ có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ rất sớm. Họ có thể chuyển vốn, tài sản một phần của công ty mẹ sang các công ty con, công ty cháu để sau nay họ hưởng lợi từ các công ty đó.

Họ cũng mua bán, tham gia cổ đông của nhiều công ty, trong khi pháp luật của ta không cầm điều ấy. Anh có tiền, có khả năng thì cứ mua cổ phiếu. Thậm chí, tôi được biết có những công ty, doanh nghiệp trực thuộc bộ đó lại mua hàng vạn cổ phiếu, cổ phần cho các quan chức lãnh đạo.

Đó cũng chính là một kẽ hở. Mà họ cũng rất tinh vi, không đứng tên mà lấy tên con cháu, người thân. Đó chính là một hình thức chuyển dịch tài sản cho những người thân của mình.

Chúng ta có nhiều cách để hạn chế điều này nhưng vấn đề là thực hiện đến đâu thôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Bích Ngọc
Đất Việt

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm